MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá sắt thép tuần này mất mát nhiều nhất kể từ tháng 3, hơn 15 nhà máy tại Trung Quốc hạ giá thép xuất xưởng trong ngày 20/5

21-05-2021 - 17:27 PM | Thị trường

Giá sắt thép tuần này mất mát nhiều nhất kể từ tháng 3, hơn 15 nhà máy tại Trung Quốc hạ giá thép xuất xưởng trong ngày 20/5

Giá quặng sắt trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm 3 phiên liên tiếp và kết thúc tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực hạ nhiệt cơn sốt giá nguyên liệu thô. Giá thép cũng giảm tiếp.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên kết thúc phiên cuối tuần 21/5 với mức giảm 3,4% so với phiên liền trước, xuống 1.096,5 CNY (170,48 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 5,4%, mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 trên sàn Singapore – kỳ hạn giao giao dịch nhiều nhất – trong cùng thời điểm cũng giảm 4,8% xuống 191,3 USD/tấn.

Giá thép cũng đi theo xu hướng này khi tiếp tục rời xa khỏi mức cao kỷ lục của tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư không ngừng bán tháo các hợp đồng kể từ khi Trung Quốc ngày 19/4 thông báo sẽ nỗ lực kiềm chế đà tăng giá "bất hợp lý" để bảo vệ người tiêu dùng.

Giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải phiên 21/5 giảm 0,7% so với phiên liền trước, trong khi thép cuộn cán nóng đi ngang; riêng thép không gỉ tăng nhẹ 0,7%.

Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên – một nguyên liệu sản xuất thép – phiên này giảm 5,7%, trong khi than cốc giảm 4,3%.

Giá thép xuất xưởng tại Trung Quốc mấy ngày gần đây cũng hạ nhiệt. Theo giá báo mới nhất, thép thanh vằn hàng thực xuất kho tại Thượng Hải giảm 300 CNY trong ngày 20/5 xuống 5.020 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 280 CNY xuống 5.500 CNY/tấn.

Hơn 15 nhà máy đã hạ giá thép xuất xưởng trong ngày 20/5.

Giá sắt thép tuần này mất mát nhiều nhất kể từ tháng 3 nhưng giới phân tích nghi ngờ khả năng giá giảm bền vững - Ảnh 1.

Mức tăng giá sắt thép tại Trung Quốc từ đầu năm đến nay

Tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng cần phải có thêm hành động để hạn chế việc giá tăng một cách bất hợp lý đối với những mặt hàng quan trọng để ngăn ngừa việc người bán chuyển giá sang người tiêu dùng, và để đảm bảo nguồn cung.

Tuyên bố lần này của ông Lý thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn sau khi tuần trước ông đã kêu gọi các đơn vị liên quan về việc kiềm chế giá hàng hóa tăng vọt bằng các biện pháp cụ thể như tăng thuế và giảm hoàn thuế cho xuất khẩu thép.

Trong cuộc họp này, Trung Quốc cũng đề cập đến phương án tăng thuế xuất khẩu đổi với một số sản phẩm thép, xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với quặng sắt và phế liệu sắt, đồng thời hủy bỏ chính sách giảm thuế cho nhiều sản phẩm thép xuất khẩu để tăng nguồn cung cho thị trường nội địa.

Được biết, xuất khẩu thép của Trung Quốc tháng 4 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 năm, và tính chung 4 tháng đầu năm đã xuất khẩu tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 54 triệu tấn. Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ tấn thép thô vào năm 2020.

Cũng trong nỗ lực bình ổn thị trường, Cơ quan kế hoạch kinh tế quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã cử các cơ quan quản lý đến Thượng Hải và Đường Sơn vào cuối tuần trước để thẩm vấn các nhà máy thép về việc tăng giá mạnh gần đây và cảnh báo rằng những người liên quan đến việc tăng giá bất hợp pháp sẽ bị truy tố.

Giá thép tại Trung Quốc tuần trước đã tăng lên mức cao kỷ lục của mọi thời đại, kể cả phôi thép, đến ngày 12/5 giá đã vượt xa cả mức cao kỷ lục trước đó (năm 2008).

Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc tế cho rằng thị trường thép Trung Quốc sẽ vẫn nóng và giá sẽ chỉ giảm nhất thời, trừ khi nước này thực hiện các biện pháp hạn chế tiêu thụ các mặt hàng công nghiệp, mặc dù điều đó có thể cản trở sự hồi phục của nền kinh tế nước này sau đại dịch Covid-19.

Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities có trụ sở tại Singapore, cho rằng các cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc chưa thay đổi được về mặt căn bản cấu trúc của lĩnh vực công nghiệp, do đó vẫn xảy ra tình trạng đầu cơ không cần thiết và những biến động trên thị trường.

Mặc dù thị trường quặng sắt thế giới đang chịu nhiều áp lực bán ra, song giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép này vẫn ở mức cao, theo đó giá giao ngay quặng chất lượng vẫn gần 250 USD/tấn, khiến cho ngành thép khó có thể giảm mạnh giá bán sản phẩm.

Xu hướng giá thép và nguyên liệu thép tăng không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, giá thép thậm chí còn cao gấp rưỡi tại Trung Quốc, theo đó giá thép ở Mỹ hiện tương đương khoảng 10.000 CNY/tấn (trong khi ở Trung Quốc khoảng 5.000 – 6.000 CNY/tấn), do nguồn cung không theo kịp sự hồi phục của ngành sản xuất tại cường quốc số 1 thế giới này. Lý do bởi nước Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong dịp đại dịch Covid-19 này mạnh mẽ hơn cả Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng giá thép vẫn có khả năng giảm trong thời gian tới, nhưng đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Trung Quốc mà của toàn thế giới.

Kohji Takei, giám đốc phụ trách bộ phận nguyên liệu thô của Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản, cho biết giá dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức cao trong dài hạn do các quy định môi trường nghiêm ngặt hơn của Trung Quốc đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang các vật liệu cao cấp nhất, ít gây ô nhiễm hơn.

Trong nước, giá thép cũng đang ở mức cao do giá nguyên liệu tăng và nhu cầu thép mạnh. Giá thành phẩm thép trong nước như thép cuộn từ tháng 10/2020 đến nay tăng khoảng 56%; giá thép cây tăng khoảng 42%...Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng gấp 2 - 2,5 lần (tương ứng từ 200 - 250%), khiến cho doanh nghiệp thép gặp khó khăn.

Giá phế liệu thép nhập về đã liên tục tăng mạnh, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, tương ứng mức tăng gấp 2,5 lần. Khoảng thời gian giá phế liệu tăng mạnh nhất là từ tháng 11/2020 đến nay, khi đó giá khoảng 300 USD/tấn, lên 500 USD/tấn hiện nay, tức là tăng gần gấp đôi trong vòng 6 tháng. Riêng từ tháng 4/2021 đến nay, giá phế liệu tăng từ 430 USD/tấn lên 500 USD/tấn, tăng 70 USD sau một tháng.

Tương tự, giá quặng sắt nhập về hồi tháng 5/2020 ở mức 88 USD/tấnm, đến tháng 5/2021 đã lên mức 229 USD/tấn, cao gấp 2,6 lần. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng từ 167 USD/tấn lên 229 USD/tấn.

Đối với thép, giá tại miền Bắc, thép cuộn CB240 của Hòa Phát hiện ở mức 18.270 đồng/kg, thép D10 CB300 giá 17.810 đồng/kg; Việt Đức báo giá bán thép cuộn 18.110 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 ở 17.610 đồng/kg; Kyoei báo giá thép cuộn CB240 ở mức 18.110 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 là 17.610 đồng/kg…

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhìn chung, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tháng 4/2021 tiếp tục duy trì ở mức sản lượng cao trong vòng 5 năm trở lại đây và nhu cầu thép trong nước tốt nhờ các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn từ nguồn ngân sách nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 và 4 tháng năm nay đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017 - 2021.

Tham khảo: Globaltimes, Refinitiv, Argusmedia

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên