MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá siêu rẻ, 'vàng đen' của Indonesia đang liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng vọt hơn 2.500%, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện

26-02-2024 - 09:51 AM | Thị trường

Giá siêu rẻ, 'vàng đen' của Indonesia đang liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng vọt hơn 2.500%, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện

Giá nhập khẩu mặt hàng này về Việt Nam giảm gần 21% so với cùng kỳ.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt hơn 5 triệu tấn, tương đương gần 670,1 triệu USD trong tháng 1/2024, tăng 5,3% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với tháng trước đó.

So với tháng 1/2023, nhập khẩu than tăng đột biến 216,8% về lượng, tăng 150,2% về kim ngạch. Giá nhập khẩu trong tháng 1 đạt 132 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2023, các nước châu Á đẩy mạnh nhập khẩu than thay cho châu Âu sau khi khu vực này dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và kéo theo sản lượng nhập khẩu tăng vọt.

Giá siêu rẻ, 'vàng đen' của Indonesia đang liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng vọt hơn 2.500%, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện- Ảnh 1.

Xét về thị trường, Úc vẫn là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam với 1,9 triệu tấn, đạt trị giá hơn 288,2 triệu USD, tăng 98% về lượng và tăng 69% về giá trị so với cùng kỳ. Đứng sau lần lượt là Indonesia và Nga. Đầu năm 2024, Nhật Bản là thị trường chưa thực hiện nhập khẩu.

Đáng chú ý, than từ Indonesia đang liên tục ồ ạt tràn vào Việt Nam với giá cực rẻ.

Cụ thể, trong tháng 1/2024, nhập khẩu than từ quốc gia Đông Nam Á đạt hơn 1,65 triệu tấn với trị giá hơn 143,8 triệu USD, tăng đột biến tới 2.560% về lượng và tăng 2.588% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường này chiếm tỷ trọng 32,5% về lượng và 21,5% về kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân đạt 87 USD/tấn, giảm gần 21% so với cùng kỳ năm 2023

Trong thị trường than đá thế giới, Indonesia là một trong những quốc gia rất nổi bật. Theo thống kê của BP năm 2019, Indonesia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu than (với 220,3 MTOE chỉ sau sản lượng xuất khẩu than của Úc), đứng thứ 5 thế giới về trữ lượng (với 37 tỉ tấn, chiếm 3,5% tổng trữ lượng than toàn cầu).

Ngoài việc sở hữu nguồn tài nguyên than dồi dào, chất lượng phù hợp với nhu cầu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, vị trí địa lý mang tính chiến lược, Indonesia còn có chính sách quản lý tài nguyên than rất cụ thể, đồng bộ, hợp lý và chặt chẽ.

Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, Arifin Tasrif, cho biết sản lượng than quốc gia đã đạt 775 triệu tấn vào năm 2023, mức cao nhất trong lịch sử. Trong đó, 213 triệu tấn được sử dụng cho các nhà máy điện trong nước, số còn lại dành cho thị trường xuất khẩu.

Trong 4 năm qua, sản lượng than của Indonesia tăng trưởng ổn định, từ 564 triệu tấn (năm 2020) đã tăng lên 614 triệu tấn (năm 2021) và 687 triệu tấn (năm 2022).

Giá siêu rẻ, 'vàng đen' của Indonesia đang liên tục đổ bộ Việt Nam: nhập khẩu tăng vọt hơn 2.500%, là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện- Ảnh 2.

Tại Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện vẫn đang là những nguồn điện chính để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2024 là hơn 74,3 triệu tấn, nhưng nguồn trong nước chỉ đáp ứng được 65%, số còn lại phải nhập khẩu.

Tức là nguồn than trong nước cung ứng từ Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty than Đông Bắc chỉ cung ứng được hơn 48,2 triệu tấn than cho sản xuất điện năm sau.

Để đủ than cho sản xuất điện năm sau, Bộ Công Thương đã giao các chủ đầu tư đa dạng nguồn than nhập khẩu, mua bù đắp lượng than mà TKV, Tổng công ty than Đông Bắc không thể đáp ứng, trừ các nhà máy điện BOT dùng than trong nước được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cấp than.

Ngoài các thị trường lớn, Việt Nam dự kiến sẽ nhập khẩu 11 triệu tấn than từ mỏ than Kaleum thuộc tỉnh Sê Kông (Lào), qua hai cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Trị trong năm 2024.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên