Giá thép khó tăng trở lại
Các chuyên gia ngành thép dự báo, quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với mặt hàng thép, phôi thép của Bộ Công Thương khó có thể khiến thị trường thép trong nước bước vào đợt tăng giá mới như đã từng xảy ra hồi tháng 3, khi Bộ này áp thuế tự vệ tạm thời.
- 22-07-2016Giá vốn giảm sâu, Thép Nam Kim vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 6 tháng
- 22-07-2016Giá thép xây dựng hạ nhiệt
- 16-07-2016Áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội thế nào?
Thị trường đã bình ổn
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) giá bán lẻ thép xây dựng nửa đầu tháng 7 tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động ở mức 12.300 - 14.150 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Nam dao động ở mức 12.400 - 14.450 đồng/kg. Cục Quản lý giá cho biết, mức giá này ổn định so với cuối tháng 6.
Diễn biến giá thép trong nước hiện tương đồng với diễn biến thế giới. Cụ thể, giá nguyên liệu thép trên thị trường thế giới đã giảm hẳn trong tháng 6, các giao dịch trầm lắng. Hồi tháng 3, khi Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời, giá thép đã bị đẩy lên rất cao. Theo các chuyên gia, việc tăng giá này có nhiều nguyên nhân, trong đó có giá nguyên liệu thế giới tăng và yếu tố đầu cơ trục lợi.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích: Từ tháng 1/2016, giá thép nguyên liệu trên thế giới bắt đầu tăng. Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu thép nên khi giá thế giới tăng thì giá thép trong nước cũng tăng lên.
“Bên cạnh đó, khi có thông tin áp thuế tự vệ với thép, các đại lý đầu cơ, mua gom hàng kiếm lời khiến lượng tiêu thụ thép tháng 3 tăng vọt, sau đó quay đầu giảm dần trong tháng 4 và giảm mạnh trong tháng 5. Đến đầu tháng 6, giá thép ở cả thị trường miền Bắc và miền Nam đồng loạt giảm 200.000 đồng/tấn, hạ về mức trước áp thuế tự vệ tạm thời”, ông Sưa cho hay.
Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới. Động thái này dấy lên mối lo hiện tượng đầu cơ có thể quay trở lại. Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này khó xảy ra do giá nguyên liệu trên thế giới vẫn ở mức thấp. Thị trường trong nước tiêu thụ yếu (trong tháng 6, sản lượng thép tiêu thụ ước đạt khoảng 460.000 tấn, giảm khoảng 132.000 tấn so với tháng 6). Đồng thời, các đại lý đã thu gom thép giai đoạn trước vẫn phải xả nốt hàng.
“Tôi nghĩ tình trạng đầu cơ khó xảy ra. Đầu cơ biểu hiện rõ nhất vào tháng 3 khi có quyết định áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương, tiêu thụ thép xây dựng tăng vọt lên hơn 1 triệu tấn. Tháng 4 tiêu thụ thép xây dựng đạt 737.000 tấn, tháng 5 giảm còn 593.000 tấn và tiếp tục giảm trong tháng 6”, ông Sưa trao đổi với phóng viên báo Tin Tức.
Mặt khác, ông Sưa nhận định tháng 7 và tháng 8 thị trường thép chắc chắn sẽ ảm đạm vì nước ta bắt đầu vào mùa mưa bão, nhu cầu xây dựng giảm. Đây là thời điểm thị trường thép tiêu thụ chậm nhất trong năm.
Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Việt Nam hiện vẫn là nước nhập khẩu thép lớn. Trong năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 18,7 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, trong đó 60% từ thị trường Trung Quốc. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều sản phẩm phôi thép và thép thành phẩm mặc dù Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ tạm thời với các sản phẩm này từ 14,2 - 23,3%.
Ông Sưa cho biết: “Với tình hình dư thừa nguồn cung của Trung Quốc, dự kiến thép giá rẻ của nước này sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam vào cuối năm nay, khi bước vào mùa xây dựng. Việc áp thuế tự vệ chính thức đối với thép nhập khẩu, kéo dài đến năm 2020, sẽ giúp DN thép trong nước tái cơ cấu sản xuất, tránh nguy cơ phá sản. Các DN cần tận dụng cơ hội này”.
Về lâu dài, các DN trong nước cần liên kết với nhau để cùng lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm…
Theo Hiệp hội Thép, các DN phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh.
Báo tin tức