MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng tới 40 - 70% trong 6 tháng cuối năm

27-07-2019 - 21:36 PM | Thị trường

Những người chăn nuôi ở Trung Quốc đã buộc phải tiêu hủy rất nhiều con lợn nuôi để ngăn chặn dịch tả lợn lan rộng sau khi dịch bệnh này xuất hiện từ tháng 8/2018. Sản lượng thịt lợn Trung Quốc liên tục giảm từ quý 4/2018.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2019 có thể tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao kỷ lục lịch sử, do nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng. Đó là dự báo của ông Tang Ke, một vụ trưởng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc (MARA) đưa ra mới đây. Ngân hàng Nomura cũng dự báo trong 6 tháng tới giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng thêm 40% nữa.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 diễn biến theo xu hướng tăng mạnh vì dịch bệnh xuất hiện tại nước này từ lâu nên nguồn cung đã khan hiếm. Lợn hơi từ mức trung bình 13,9 CNY/kg đầu năm 2019 tăng lên 17,04 CNY/kg tháng 6/2019, tăng khoảng 22%. Nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc gia tăng đã đẩy giá thịt toàn cầu tăng 3% trong tháng 4/2019 so với cùng tháng năm ngoái, khiến chỉ số giá thực phẩm của FAO tăng theo.

Theo MARA, giá thịt lợn bán buôn trung bình trong tháng 6/2019 tại Trung Quốc đại lục đã tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,59 CNY (khoảng 3 USD)/kg. MARA nhận định nguồn cung thịt lợn bị thắt chặt sẽ khiến giá tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Giá thịt lợn ở Hongkong (Trung Quốc) cũng tăng mạnh theo, ngày 14/7/2019 có lúc giá lên tới hơn 4.400 HKD/picul (1 picul = khoảng 60 kg), cũng là mức cao kỷ lục lịch sử. Mặc dù sau đó giá giảm nhẹ, xuống trung bình 2.557 HKD/picul, song mức đó vẫn cao hơn tới 60% so với 1.600 HKD/picul hồi tháng 5/2019.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng tới 40 - 70% trong 6 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Những người chăn nuôi ở Trung Quốc đã buộc phải tiêu hủy rất nhiều con lợn nuôi để ngăn chặn dịch tả lợn lan rộng sau khi dịch bệnh này xuất hiện từ tháng 8/2018. Sản lượng thịt lợn Trung Quốc liên tục giảm từ quý 4/2018. Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, do đó việc sản lượng thịt lợn của họ sụt giảm đã dẫn tới việc sản lượng các loại thịt khác và sữa tăng lên để bù đắp.

Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 3 về thị trường thịt lợn Trung Quốc, ông Angela Zhang thuộc công ty nghiên cứu IQC cho biết, mức tiêu thụ thịt lợn trung bình người ở Trung Quốc năm 2018 là 39,9 kg, trong khi thịt gà là 8,3 kg, còn thịt bò là 6,1 kg. Giá bán buôn thịt gà từ tháng 8/2018 đến tháng 2/2019 tăng 17,4%, trong khi thịt gà tăng 9%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 17/7 vừa qua, sản lượng thịt lợn của nước này trong quý 1/2019 đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống 14,63 triệu tấn; trong khi đó sản lượng thịt bò tăng 1,7%, thịt cừu tăng 1,4% và thịt gia cầm tăng 2,1%. Cũng trong quý 1, sản lượng trứng tăng 2,3%, trong khi sản lượng sữa tăng 2%.

Số liệu mới nhất của ​​Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết có hơn 1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy tại Trung Quốc kể từ khi phát hiện dịch bệnh tới nay. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn thế nhiều. Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy tổng số lợn nuôi của nước này trong 6 tháng đầu năm 2019 là 347,6 triệu con, tức là thấp hơn 60 triệu con (15%) so với cùng kỳ năm ngoái. 

Còn số liệu của MARA cho thấy số lợn nuôi tính ở thời điểm tháng 6/2019 đã thấp hơn 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lợn nái giảm 26,7%. Các nhà phân tích quốc tế rất ngạc nhiên khi số lượng lợn nuôi giảm mạnh đến vậy nhưng sản lượng thịt lợn chỉ giảm 5,2% trong qúy 1 năm nay. Chuyên gia phân tích Feng Yonghui của Soozhu.com cho rằng sản lượng giảm ít nhất trên 10%. Thậm chí, Rabobank cho rằng dịch bệnh lần này có thể sẽ khiến khoảng 200 triệu con lợn ở nước này bị tiêu hủy.

Theo FAO, Trung Quốc sở hữu hơn một nửa số lợn nuôi trên toàn thế giới – 500 triệu con. USDA ước tính số lợn nuôi ở Trung Quốc là 433 triệu con. Kể từ tháng 8/2018 tới nay, 118 ổ dịch tả lợn Châu Phi đã được phát hiện tại 28 tỉnh thành nước này.

Để đáp ứng nhu cầu, Bắc Kinh đã phải tăng nhập khẩu thịt lợn. Nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc tháng 5/2019 cao kỷ lục, 556.276 tấn thịt và nội tạng trong tháng 5, tăng khoảng 45% so với một năm trước đó, đưa tổng nhập trong 5 tháng đầu năm lên 2,2 triệu tấn, tăng 23% so với năm ngoái. Do chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc tăng nhập khẩu thịt lợn từ những thị trước khác, theo đó nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu trong 4 tháng đầu năm 2019 đã tăng 37%, theo số liệu của Ủy ban Châu Âu. Brazil cũng trở thành nhà cung cấp thịt lợn lớn cho thị trường này.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng tới 40 - 70% trong 6 tháng cuối năm - Ảnh 2.

Cũng theo thông tin từ FAO, những ổ dịch mới phát hiện gần đây nhất tập trung ở Việt Nam và Campuchia.

Tại Campuchia, tới giữa tháng 7/2019 đã có 5 tỉnh phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi.

Tại Việt Nam, giá thịt lợn trong nước 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhìn chung theo xu hướng giảm. Đầu tháng 2/2019 giá tăng mạnh khi dịch tả lợn bùng phát mạnh dẫn tới lượng tiêu hủy lớn. Sau đó giá giảm dần, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm vào cuối tháng 5/2019 do nhu cầu giảm vì nhiều người tiêu dùng xa lánh thịt lợn do sợ dịch tả lợn và thời tiết nắng nóng làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, giá thịt lợn giảm 25 - 30%.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng tới 40 - 70% trong 6 tháng cuối năm - Ảnh 3.

Theo Bộ NN& PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2019 tổng đàn lợn cả nước giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con. Đến ngày 15/7, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con, chiếm trên 10% đàn lợn trên cả nước. Đáng lo ngại là từ những ổ dịch nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng tấn công vào những trang trại chăn nuôi có quy mô rất lớn.

Công ty nghiên cứu Ipsos Business Consulting Ipsos ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm tháng 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp. Theo Ipsos, đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.

Nhập khẩu thịt lợn về Việt Nam trước kia đa số phục vụ cho chế biến công nghiệp, nhưng hiện tại, nhập khẩu tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nhiệp trong nước đã nhập hơn 4.000 tấn thịt lợn đông lạnh với kim ngạch hơn 7 triệu USD, tương đương số lượng thịt lợn nhập khẩu của cả năm 2018. Sản phẩm thịt lợn chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Ba Lan, Đức, Canada… với mức giá từ 80.000 - 120.000 đồng/kg, thấp hơn sản phẩm trong nước từ 20.000 - 40.000 đồng/kg; thậm chí, thịt lợn nhập khẩu từ Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với thịt lợn Việt Nam.

Dự báo. FAO cảnh báo sản lượng thịt lợn toàn năm 2019 sẽ giảm 4% so với năm trước, xuống 115,6 triệu tấn, trong đó sản lượng của Trung Quốc giảm ít nhất 10% trong năm 2019 và tạo cơ hội lớn cho những nước sản xuất thịt khác như Mỹ, Brazil và Nga tăng sản lượng. Đồng thời, các ngành sản xuất các loại thịt khác, nhất là gia cầm, dự báo sẽ được hưởng lợi bởi nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm thay thế thịt lợn. Những nước sản xuất thịt gia cầm lớn trên thế giới như Brazil, Mỹ, Thái Lan và một số nước EU sẽ nằm trong số những đối tượng được hưởng lợi.

Trong nước, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cũng dự báo giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nguồn thịt lợn sẽ có xu hướng biến động dịp cuối năm. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi. Ipsos dự đoán cuối năm 2019 đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt lợn, chiếm gần 20% tổng nhu cầu.

Vân Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên