Giá USD ngân hàng đồng loạt vượt 24.400 đồng
Sáng 15/9, giá USD niêm yết tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, chiều bán ra đã vượt mốc 24.400 đồng.
- 15-09-2023Nhiều ngân hàng công bố giảm mạnh lãi suất cho vay
- 15-09-2023Lãi vay giảm, người mua nhà “dễ thở’’ hơn
- 14-09-2023Thống đốc: Điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia chứ không vì doanh nghiệp nào cả
Cụ thể tại Vietcombank, tỷ giá USD lúc 10h15 được niêm yết ở mức 24.070-24.410 đồng, tăng 25 đồng so với cuối ngày hôm qua. Trước đó, tỷ giá tại nhà băng này cũng đã tăng 65 đồng trong phiên 14/9.
Tương tự tại 2 “ông lớn” BIDV, VietinBank, giá bán ra USD cũng đã vượt mốc 24.400 đồng. Hai nhà băng này đang lần lượt niêm yết 24.115-24.415 đồng và 24.093-24.493 đồng.
Techcombank sáng nay tăng 25 đồng so với hôm qua lên 24.095-24.435 đồng. ACB cũng tăng giá USD thêm 40 đồng, niêm yết ở mức 24.120-24.420 đồng.
Trong khi giá USD ngân hàng tăng mạnh thì trên thị trường tự do lại khá ổn định. Hiện giá giao dịch USD trên “chợ đen” phổ biến 24.150 đồng chiều mua vào và 24.200 đồng chiều bán ra.
Trên thị trường quốc tế, đồng USD tiếp tục tăng giá sau khi dữ liệu lạm phát Mỹ được công bố. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt hiện đạt 105,31 điểm, tăng 2% trong 2 tuần qua.
Theo giới chuyên gia, tỷ giá “nổi sóng” thời gian gần đây không chỉ do USD tăng giá trở lại trên thị trường quốc tế. Theo BVSC, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, ngược lại với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá VND/USD. Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn có những yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại 8 tháng đầu năm ước đạt 20,19 tỷ USD (cùng kỳ 2022 đạt 5,26 tỷ USD), tổng vốn FDI đạt 18,15 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ 2022), dòng tiền kiều hối chuyển về nước đạt 10,13 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ 2022), do đó rủi ro về tỷ giá không quá lớn như năm ngoái.
Liên quan đến việc điều hành tỷ giá, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng 14/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với vấn đề tỷ giá, khi xuất khẩu hàng hoá sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu.
“Năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỷ USD, nhưng của doanh nghiệp FDI xuất siêu lên đến 36 tỷ USD. Doanh nghiệp trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài. Nếu tỷ giá tăng lên sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi. Do vậy, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì doanh nghiệp nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Nhịp sống thị trường
- Đẩy nhanh vốn tín dụng ra thị trường
- Lãi suất tiền gửi và cho vay vẫn chênh lệch lớn
- Giá vàng nhẫn vọt lên mức kỷ lục 58 triệu đồng/lượng, người giữ vàng lãi đậm
- VietinBank hạ lãi suất huy động từ ngày 19/9, toàn bộ nhóm Big4 đã giảm về mức đáy lịch sử
- Giá vàng vượt mốc 69 triệu đồng/lượng, USD tiếp tục tăng mạnh