Giá vàng lập kỷ lục nhưng nhiều người tiếp tục "ôm", nhất quyết không bán
Dù giá vàng liên tục tăng, thiết lập những đỉnh giá mới từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư vẫn kiên quyết không chốt lời, do kỳ vọng giá còn tăng thêm và tâm lý e ngại bán ra rồi thì không mua lại được.
- 21-10-2024Đường dây huy động vốn bị vỡ nợ khiến một vùng quê hoang mang
- 21-10-2024Không liên lạc được với người nhận, người phụ nữ vẫn thu hồi được 980 triệu chuyển khoản nhầm sau 10 ngày
- 21-10-2024Có nên mở thẻ tín dụng VISA để đi du lịch nước ngoài?
Sáng 21/10, giá vàng miếng đồng loạt được các doanh nghiệp kinh doanh vàng như SJC, PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng mạnh lên 86 triệu đồng/lượng mua vào, 88 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần.
Đây cũng là mức bán ra của các ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank. Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
Tương tự, giá vàng nhẫn tiếp tục đi lên, lập kỷ lục mới khi DOJI niêm yết giá vàng nhẫn tại mức 85,5-86,5 triệu đồng/lượng, tăng 800 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua - bán. Bảo Tín Minh Châu cũng tăng 800 nghìn đồng/lượng lên 85,63-86,63 triệu đồng/lượng. Công ty SJC điều chỉnh lên 84,7-86,1 triệu đồng/lượng. PNJ áp dụng 85,4-86,4 triệu đồng/lượng.
Từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi lượng vàng nhẫn tăng 2,5 triệu đồng ở chiều thu mua và tăng 2,2 triệu đồng ở chiều bán ra. Còn so với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn tăng hơn 21 triệu đồng, ghi nhận hiệu suất sinh lời trên 35%.
Trong khi đó, vàng SJC cho mức sinh lời thấp hơn. Nếu đầu tư vàng miếng từ đầu năm, đến hiện tại nhà đầu tư có thể lãi khoảng 14 triệu đồng trên mỗi lượng, tương đương mức sinh lời gần 19%.
Đây cũng là mức sinh lời cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Năm 2023, người mua vàng miếng chỉ lãi khoảng 3 triệu đồng/lượng, trong khi đó vào năm 2022, nhà đầu tư lỗ khoảng 2 triệu đồng/lượng.
Bất chấp giá vàng liên tục thiết lập đỉnh mới từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư vẫn kiên quyết không chốt lời. Chị Hà Linh (Hà Nội) cho hay: “Mình có khoảng vài chục chỉ vàng từ đợt đám cưới hồi 2017, khi đó vàng mới chỉ 4x triệu. Giờ vàng đang lên, nhiều người khuyên mình mang bán nhưng mình nhất quyết không. Hiện chưa dùng đến tiền thì cứ để đó, sau này cần mua bất động sản thì bán đi cũng chưa muộn. Bây giờ bán vàng lãi được vài đồng, rồi lại phải đi mua vàng với giá cao”.
Chung quan điểm đó, anh Phan Hải (Bắc Ninh) có khoảng 1 lượng vàng tích từ đầu năm những quyết không bán ra tại thời điểm này. Theo anh, trước những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, vàng có nhiều khả năng còn tăng nữa. Hơn hết, anh lo ngại rằng bán ra bây giờ thì không thể mua lại nổi, nhất là với tình trạng nhiều cửa hàng dừng bán, hoặc bán ra với lượng rất nhỏ, vào các khung giờ không cố định, khiến có tiền cũng khó mua như hiện nay.
Bên cạnh tâm lý “ôm” vàng, đợi giá vàng lên cao hơn để bán, nhiều người còn sẵn sàng đáo hạn sổ tiết kiệm để đầu tư vào vàng trong thời điểm này, dù có e ngại “đu đỉnh”. Bởi lẽ trong bối cảnh xung đột địa chính trị thế giới căng thẳng, lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn, thị trường chứng khoán, bất động sản chưa phục hồi, vàng là kênh trú ẩn được nhiều người lựa chọn.
Đà tăng của giá vàng trong nước diễn biến theo kim loại quý trên thị trường quốc tế. Mỗi ounce vàng tăng mạnh hơn 80 USD trong tuần qua, liên tiếp lập kỷ lục. Mở cửa phiên đầu tuần nay, giá vàng thế giới lên gần 2.730 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 83,4 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện dao động 2-4,5 triệu đồng một lượng.
Nhịp sống thị trường