Giá vàng liên tục phá đỉnh, lãi suất tiết kiệm xuống đáy, dòng tiền liệu có đổ mạnh vào bất động sản?
Giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong khi lãi suất tiết kiệm giảm sâu, dòng tiền liệu có tìm đến bất động sản hay kênh khác?
Giá vàng tăng liên tục, lãi suất cho vay bất động sản giảm mạnh
Đến sáng 12/3, giá vàng trong nước chưa ngừng đà tăng sau nhiều ngày. Theo đó, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,5-82,5 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu cũng tăng tiếp lên 80,5-82,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 70,08 - 71,38 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) trong khi đó Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 69 - 70,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào - bán ra.
So với phiên liền trước, giá vàng tăng 200 - 500 nghìn đồng/lượng.
Như vậy, liên tục trong vòng 7 ngày qua, giá vàng SJC và vàng nhẫn đều tăng không ngừng và liên tục xác lập đỉnh mới.
Trong khi giá vàng tăng liên tục, lãi suất gửi tiết kiệm lại liên tục xuống thấp. Khảo sát thực tế, trong kỳ hạn 12 tháng, không có ngân hàng nào trả lãi lên tới 6%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất chỉ dưới 5%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất vô cùng rẻ.
Đơn cử như trong nhóm ngân hàng Big 4, Vietcombank có lãi suất thấp nhất với 1,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng, 2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, 3%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng và 4,7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12-60 tháng. Trong khi đó, Agribank cũng áp dụng mức lãi suất thấp nhất với 1,7%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng, và cao nhất 4,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 2 năm.
Dòng tiền liệu có đổ mạnh vào bất động sản?
Giá vàng tăng liên tục, lãi suất tiết kiệm giảm khiến sự kỳ vọng dòng tiền sẽ chuyển hướng vào bất động sản sẽ xảy ra. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhận định, với lãi suất liên tục giảm, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền sẽ đổ vào lĩnh vực địa ốc. Tuy nhiên, ông Hiển lại cho rằng: "Điều này khó xảy ra".
Lý giải về nhận định này, vị chuyên gia kinh tế phân tích: Thứ nhất, lãi suất tiết kiệm giảm phù hợp với đường cong lãi suất. Thế nên, người dân cần quen với việc lãi suất tiết kiệm thấp. Thứ hai, bất động sản từng trải qua thời kỳ tăng giá quá mạnh và đang quay trở lại với giá trị thực. Ông Hiển nhận định, bất động sản vẫn là kênh đầu tư còn gặp nhiều khó khăn và giá bất động sản không còn tăng nhiều như trước. Nhà đầu tư cũng sẽ dè dặt hơn khi bỏ vốn.
Trong một talkshow diễn ra mới đây, ông Phan Nguyễn Hữu Phương - Chuyên gia chứng khoán DNSE dự báo, dòng tiền nhàn rỗi sẽ đổi hướng chảy vào kênh đầu tư chứng khoán. Theo ông Phương, ở Việt Nam không có quá nhiều cân đầu tư. Các kênh đầu tư chủ yếu là bất động sản, tiền gửi, chứng khoán, vàng, và một kênh đầu tư nữa chưa chính thức là crypto. Ông Phương nhận định, thời gian qua, vàng tăng giá và crypto tăng mạnh. Hiện bất động sản đã có dấu hiệu ấm lại nhưng so với những diễn biến trong quá khứ. Sự tăng giá của bất động sản sẽ có xu hướng chậm lại. Đây là lý do dòng tiền nhàn rỗi sẽ tìm kiếm kênh đầu tư tốt hơn như chứng khoán.
Trong khi đó, Trần Thăng Long - Giám Đốc Phân tích, công ty Chứng khoán BIDV nhận định, lãi suất tiết kiệm đang ở mức khiến nhiều người bất ngờ vì thấp hơn so với thời điểm dịch Covid-19. Đây là lý do mà nhiều người dân và nhà đầu tư đang cơ cấu lại tài sản của mình. Tuy nhiên, ông Long lại cho rằng, chứng khoán hiện mới là kênh thu hút nhà đầu tư.
Còn ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT khuyến nghị, giá vàng đã tăng quá cao nên nhà đầu tư không "đu đỉnh". Thay vào đó, thời điểm này nhà đầu tư có thể giữ vàng. Đánh giá về kênh đầu tư bất động sản, ông Huấn nhận định, còn nhiều khó khăn khiến bất động sản chưa có thể hút lượng lớn dòng tiền đổ vào.