MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá vàng tiến sát 40 triệu đồng/lượng

06-07-2016 - 16:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong buổi sáng, giá vàng SJC đã tăng 1,5 triệu đồng lượng, cán mức 38,4 triệu đồng/lượng. Đến chiều tiếp tục tăng cao và đang tiếp cận ngưỡng 40 triệu đồng/lượng.

Lúc 14 giờ 33 phút ngày 6-7, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục tăng thêm 350.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng, lên 38,5 triệu đồng/lượng bán ra và 37,9 triệu đồng/lượng mua vào, chênh lệch mua bán được nới rộng tới 600.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Doji, PNJ, hay các ngân hàng như Sacombank, Eximbank, TP Bank... niêm yết giá bán thấp hơn so với Công ty SJC từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng.

Đến khoảng 15 giờ 30, giá vàng SJC bất ngờ nhảy vọt lên mức 39,5 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào cũng được đẩy lên mức 38,7 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giá mua vào – bán ra được giãn rộng lên 800.000 đồng/lượng. So với cuối phiên hôm qua, giá vàng tăng gần 2 triệu đồng/lượng, mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua.

Lúc 15 giờ 40 phút, giá vàng SJC được công ty SJC tiếp tục đẩy lên mức 39,8 triệuđồng/lượng chiều bán ra.

Hiện tại, giá vàng đang hướng đến vùng 40 triệu đồng/lượng. Đáng lưu ý, giá vàng SJC tăng sốc trong khi giá vàng thế giới vẫn tiếp tục dao động quanh mức 1.370 USD/ounce, tương đương mức 36,9 triệu đồng/lượng.

Trước đó, khi thị trường mở cửa lúc 8 giờ 15 phút, các doang nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt công bố giá vàng mua vào 36,35 triệu đồng/lượng, bán ra là 36,9 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, chỉ 30 phút tiếp theo, giá vàng của SJC tăng lên 37,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 38,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trong khi đó, Công ty vàng bạc đá quý DOJI bán ra 37,9 triệu đồng lượng, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra 38,5 triệu đồng/lượng, tăng so với giá mở cửa 1,4 triệu đồng lượng… Đến 10 giờ, SJC tăng thêm giá vàng bán ra lên 38,15 triệu đồng/lượng. Còn các doanh nghiệp khác đồng loạt đưa giá vàng bán ra quanh mức 37,9 - 38,1 triệu đồng/lượng.

Giới kinh doanh vàng cho biết nhiều đơn vị đang nhìn nhau để quyết định giá vàng. Số lượng vàng miếng đang lưu thông trong nước cứ “chạy” lòng vòng từ địa chỉ này sang địa chỉ khác. Nếu có một cá nhân hay tổ chức nào đó quyết tâm mua vàng thì lập tức bên bán sẽ đẩy giá lên. Cứ thế, giá vàng SJC tăng dần lên.

Cực kỳ rủi ro khi mua vàng lúc này!

Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh đã trao đổi với Báo Người Lao Động xung quanh sự biến động “gây sốc” của giá vàng trong phiên ngày 6-7 và những ngày qua.

Phóng viên: Vừa mở cửa phiên giao dịch ngày 6-7, giá vàng trong nước bất ngờ tăng sốc hơn 1 triệu đồng/lượng, trong khi giá thế giới cũng tăng nhưng không bằng, ông có thấy bất ngờ với sự biến động của giá vàng SJC?

Ông Phan Dũng Khánh: Tôi bất ngờ nhưng có thể hiểu được do các nhà đầu tư trong nước kỳ vọng giá còn tiếp tục tăng cao hơn. Đồng thời, việc Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7 đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu huy động vàng trong dân cũng khiến giá vàng được hỗ trợ. Đây cũng là nguyên nhân nhưng không phải nguyên nhân lớn nhất vì giá đã tăng trước thông tin này.

Tuy nhiên, điều này giúp khẳng định rằng việc huy động vàng trong dân để phục vụ cho mục đích quốc gia, phục vụ nền kinh tế, gia tăng dự trữ ngoại hối là vấn đề không phải riêng quốc gia nào. Theo Hội đồng vàng thế giới, trong 5 năm gần đây ngân hàng trung ương các nước đều tích cực gia tăng dự trữ ngoại hối của mình trong đó vàng chiếm tỉ trọng lớn nhất, đặc biệt là Trung Quốc và Nga.

Một yếu tố quan trọng là mãi lực đang tăng lên mức cao nhất trong năm 2016 giúp giá vàng tăng mạnh.

Đâu là nguyên nhân đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ những ngày qua?

Giá vàng trong nước tăng chủ yếu do tác động từ giá thế giới. Lúc 13 giờ ngày 6-7, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mốc 1.370 USD/ounce, tiếp tục tăng mạnh so với nhiều ngày trước đó. Nhu cầu đầu tư an toàn sau sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit) tăng lên, nhất là khi các ngân hàng trung ương các nước có xu hướng nới lỏng tiền tệ nhiều hơn đã làm cho các nhà đầu tư thêm lo lắng và vàng được dịp tỏa sáng.

Nhìn vào sự biến động của giá vàng trong nước, nhiều ý kiến cho rằng vàng đang bị "làm giá”, bởi giá vàng trong nước tăng nhanh, mạnh hơn và đang bỏ xa giá thế giới, ông có bình luận gì?

Hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn giá trong nước khoảng 1,5 triệu đồng/lượng cho thấy sự biến động rất mạnh của giá trong nước. Mãi lực gia tăng cũng khiến các tổ chức kinh doanh vàng tranh thủ đẩy giá cao hơn thực tế để kiếm lời vì sau nhiều năm lặng sóng. Việc giá vàng “nổi sóng” lần này nhưng cũng không biết được lâu, giúp họ có được lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu ngành vàng như PNJ (Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận) trên sàn chứng khoán cuối năm 2015 giá 30.000 đồng/CP và hiện nay giá lên tới 80.000 đồng/CP cho thấy cổ phiếu này được hưởng lợi rất lớn từ xu hướng tăng giá của vàng.

Khị thị trường có biến động mạnh như vậy, tâm lý nhà đầu tư sẽ "đổ xô" vào vàng và mua đuổi vì kỳ vọng giá sẽ còn tăng cao hơn, ông có nghĩ như vậy không và nhà đầu tư có nên "nhảy" vào thị trường vàng, lướt sóng khi giá đang dao động mạnh?

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, người dân nên tránh mua vàng vào những ngày sôi động, bởi lúc này mức chênh lệch giá mua và bán được các doanh nghiệp đẩy lên rất cao gây rủi ro lớn (khoảng cách chênh lệch giá mua vào – bán ra đang ở mức 700.000 đồng/lượng - PV). Khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao cũng là một rủi ro.

Nhà đầu tư, người dân nên mua vào những thời điểm giá điều chỉnh và giữ trong trung dài hạn sẽ tốt hơn ngắn hạn lướt sóng vốn gây rủi ro lớn. Đồng thời, nhà đầu tư cũng tránh được việc bị cuốn vào vòng xoáy "tát nước theo mưa" trong những ngày này, đừng mua đuổi theo giá vàng đang biến động.

Xin cám ơn ông!

Theo Thái Phương - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên