Giải cứu thịt lợn: Không chỉ làm ở phần ngọn
Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, để giải quyết tình trạng thừa cung trong ngành chăn nuôi, cần có những giải pháp giải hạn như tái có cấu, nghiên cứu thị trường..
- 24-04-2017Thịt lợn thảo dược giá 200.000 đồng/kg vẫn cháy hàng
- 21-04-201722 ngàn/kg thịt lợn: Giá sẽ còn giảm nữa
- 20-04-2017Thịt lợn 27.000 đồng/kg không rõ nguồn gốc: Muốn bao nhiêu cũng có!
- 15-04-201740.000 tấn thịt lợn nhập ngoại “làm khó” thịt nội
Người chăn nuôi lợn đang bị thua lỗ nặng nề, đàn lợn lớn mà không thể xuất chuồng, giá lợn hơi giảm sâu mỗi ngày. Đây cũng là thời điểm giá thịt lợn hơi xuống thấp nhất trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thế giới. Trong khi đó, giá thịt lợn còn được dự báo là sẽ tiếp tục giảm do lượng thịt tồn trong dân đang tăng mỗi ngày 1%. Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ phương án giải cứu cho người chăn nuôi và kêu gọi doanh nghiệp trợ giúp.
Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, trong lúc tình hình khẩn cấp, việc xử lý tình huống như kêu gọi sự chung tay của nhiều bên như doanh nghiệp, người dân, ngân hàng... là cần thiết, song câu chuyện thừa cung với con lợn cũng như các loại nông sản từ trước tới nay đã là câu chuyện dài hạn.
"Chúng ta tổ chức sản xuất nông nghiệp với hơn 10 triệu hộ nông dân, riêng xuất khẩu chiếm 32 tỷ USD/năm. Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng, do đó nghiên cứu thị trường, xác định cung cầu là việc cần phải làm. Đó cũng là việc làm dài hạn cần xử lý ngay", ông Đặng Kim Sơn cho biết.
"Trước hết, hiện tượng thừa cung xuất phát từ người sản xuất" - ông Đặng Kim Sơn phân tích - "Thông tin của người sản xuất chủ yếu đến từ thương lái. Họ không biết tới toàn cảnh thị trường trong nước và quốc tế, cũng như những dự báo tương lai của thị trường ra sao. Vì thế, cứ thấy giá lên thì người sản xuất tăng đàn. Cuộc khủng hoảng lại không xảy ra ngay lúc đó mà sẽ diễn ra vào vài tháng sau, hoặc cả năm sau, khi đó thì quá muộn".
"Nếu chúng ta muốn xử lý hiện tượng này thì phải làm trên toàn bộ chuỗi giá trị, không chỉ có người nông dân mà còn phải với người kinh doanh, buôn bán, chế biến và thậm chí cả người tiêu thụ".
"Hiện nay, chúng ta không có một cơ quan nghiên cứu thị trường hoàn chỉnh, cả về phía Bộ NN&PTNT cũng như Bộ Công thương. Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta nên xây dựng lực lượng trinh sát thị trường một cách mạnh mẽ, nên tổ chức theo kiểu liên kết công tư" - ông Đặng Kim Sơn nói thêm - "Sau đó, dự báo thông tin thị trường phải được công bố cho toàn bộ chuỗi giá trị, cả người sản xuất, thu mua, chế biến và ngân hàng cho vay vốn. Khi cân đối cung cầu xong, mọi người sẽ biết để điều chỉnh. Việc đi liền với quy hoạch là phải có giải pháp để giám sát cung".
Rõ ràng, thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là làm sao để không còn những chiến dịch giải cứu nông sản. Nếu muốn vậy, Việt Nam phải có nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, làm những sản phẩm thị trường cần mà không phải chỉ những sản phẩm làm được. Với câu chuyện dư thừa đàn lợn, ngành chăn nuôi cần tái cơ cấu, xác định đàn cho phù hợp, giảm giá thành sản xuất mới có thể trụ lại được, cạnh tranh sòng phẳng ở thị trường trong nước và nước ngoài.
VTV1