MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã 10 triệu tỷ đồng trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 – 2020 có nhắc đến con số 10.567 nghìn tỷ đồng là nguồn lực để thực hiện đề án. Bản chất của số tiền khổng lồ này là gì?

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

10 triệu tỷ là nguồn lực để tái cơ cấu?

Trong báo cáo Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội có viết “Nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế 2016 – 2020, dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế” và dừng lại ở đó, không giải thích gì thêm.

Dường như đây là điểm mờ khiến nhiều người không hiểu được bản chất và chỉ tập trung vào số tiền “khủng” cũng như đặt câu hỏi về việc huy động nó ở đâu.

Trong buổi họp báo cuối tuần trước tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đã có những giải thích cụ thể về con số 10 triệu tỷ trên. Theo đó, ông khẳng định số tiền này là nguồn lực để đầu tư chứ không phải là nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế.

“Trong kế hoạch 2016 – 2020, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32- 33% GDP, nếu tính thêm các yếu tố lạm phát, tăng trưởng, tổng GDP dự kiến là khoảng 30 triệu tỷ đồng. Nghĩa là có khoảng 10 triệu tỷ đồng được đưa vào trong nền kinh tế. Đây là con số dự tính sẽ huy động để đầu tư chứ không phải là nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế. Đó là nguồn lực bình thường để huy động đầu tư”, ông Cung giải thích.

Cũng theo ông Cung, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra ở đây là tái cơ cấu nền kinh tế như thế nào, phân bổ nguồn lực ra sao, có tái cơ cấu lại danh mục tài sản hiện có hay không.

“Ví dụ nhà nước hiện đang đầu tư rất nhiều vào Vinamilk, Sabeco, nếu bán hết đi rồi lấy số tiền đó xây dựng sân bay Long Thành chẳng hạn. Đấy là tái cơ cấu!”, ông Cung cho biết.

Vì theo ông, hành động như trên không những huy động được nguồn lực ngoài xã hội mà còn tạo điều kiện để dòng tiền đi được vào đúng nơi đúng chỗ. Nguồn lực phải được sử dụng hiệu quả thì mới nâng cao được năng suất lao động. Đó mới là nguồn gốc của tăng trưởng, cũng là cách tiếp cận đúng đắn vào đề án tái cơ cấu.

2 điểm chính giúp GDP tăng trưởng 7%

Trong đề án Tái cơ cấu lần này có 3 kịch bản được đưa ra. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Cung, chỉ cần thực hiện được 2 điểm mấu chốt bao gồm: cắt giảm chi tiêu ngân sách và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thực chất, hiệu quả, GDP Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng 7%.

“Nếu thực hiện chi tiêu ngân sách, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thì sẽ tăng thêm được 0,5% điểm tăng trưởng. Cộng với 6,5% điểm tăng trưởng nhờ Chính phủ điều hành có nghĩa là chúng ta đạt được 7% GDP. Đấy là sự thay đổi phân bố lại nguồn lực, tái cơ cấu kinh tế nghĩa là phân bổ nguồn lực bằng cơ chế thị trường”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo đó, ông Cung cho rằng Nhà nước phải đối diện với quy tắc khan hiếm nguồn lực. Vì thế, nguồn lực phải được đưa vào nơi có hiệu quả nhất, tốt nhất chứ không phải đầu tư một cách tràn lan, cào bằng như hiện tại.

Cùng với việc tích cực cổ phần hoá doanh nghiệp, Nhà nước cần giảm cả chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng. Viện trưởng CIEM giải thích vì để thị trường lớn lên, Nhà nước phải thu hẹp lại.

“Tôi đặc biệt nhấn mạnh thị trường đất đai phải được chuyển đổi thành vốn, thị trường sản phẩm và dịch vụ phải là thị trường cạnh tranh chứ không phải là những thứ méo mó, sai lệch hiện nay!”, ông nói.

Như vậy, theo ý của ông, chỉ cần thực hiện được 2 điều trên không chỉ GDP đạt được mức 7% mà bội chi ngân sách cũng có thể giảm xuống từ 3 – 4% GDP.

Muốn như thế, theo ông, nhà nước không chỉ cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, khu vực dịch vụ công mà còn phải tái cơ cấu ngân sách Nhà nước. Cần phải thay đổi từ tiền kiểm, sang hậu kiểm, phải cởi trói cho nền kinh tế cũng như bỏ đi những cơ chế xin – cho không hiệu quả hiện nay.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên