MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải ngân đầu tư công - Bài 1: Dồn lực chặng đua nước rút

Việc thực hiện giải ngân khẩn trương, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công sẽ trở thành động lực quan trọng; đồng thời, đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách nhà nước năm 2023 (vào tháng 1/2024) và đây là chặng nước rút để các bộ, ngành, địa phương tăng tốc hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Giải ngân đầu tư công - Bài 1: Dồn lực chặng đua nước rút - Ảnh 1.

Điểm kết nối Dự án đầu tư công Đường số 3 kết nối thị trấn huyện Tân Thạnh với Quốc lộ N2 (Long An). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trong khi khối lượng giải ngân vẫn còn khá lớn (khoảng 247 nghìn tỷ đồng). Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nêu cao tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết đánh giá về tình hình giải ngân đầu tư công cùng những phân tích làm rõ nguyên nhân khó khăn và những giải pháp để giải ngân hiệu quả nguồn vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bài 1: Dồn lực chặng đua nước rút

Đầu tư công được xem vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển nếu được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Vì thế, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công luôn được Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Giải ngân đầu tư công hiệu quả sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế của năm 2023, vì vậy các ngành và các địa phương đang dồn lực ở chặng đua nước rút này.

Bệ đỡ tăng trưởng kinh tế

Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Theo đó, thực hiện nghị quyết này, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện, văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc và đưa nội dung về đầu tư công vào các cuộc họp Thường trực Chính phủ, Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Cùng đó, Chính phủ duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; lập 26 đoàn công tác do các thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Tại “Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023”, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: Đầu tư công tạo nền tảng về kết cấu hạ tầng, góp phần khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực, không gian phát triển mới, tăng cường tính liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và của quốc gia. Đồng thời, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và tổng vốn toàn xã hội nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế thúc đẩy tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2023, của giải ngân vốn đầu tư công, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng của cả nước khoảng 461.000 tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý có 41 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2023 dưới mức trung bình của cả nước, chỉ đạt 102.300 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch. Ước giải ngân 11 tháng năm 2023 của các đơn vị này là khoảng 125.000 tỷ đồng, đạt 44,12% kế hoạch. Do đó, với số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn là 247.000 tỷ đồng, trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn rất ít.

Về những bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vẫn còn nhiều dự án lớn, trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, bố trí kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư chậm. Việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa tốt, chưa sát với thực tiễn, khả năng thực hiện còn dàn trải, bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị dự án còn hạn chế, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chưa phù hợp, dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần.

Liên quan đến việc thiếu nguyên, vật liệu trong thi công các công trình đầu tư công, ông Phạm Thiện Nghĩa Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay: Trong bối cảnh cát khan hiếm, Đồng Tháp đã tổ chức triển khai nhiều dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy đối với các bãi bồi, cồn nổi nhằm hạn chế sạt lở, có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét (cát) để phục vụ các công trình sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, một số dự án nạo vét trên địa bàn tỉnh cung cấp nguồn cát có chất lượng kém, lẫn nhiều bùn, tạp chất nên nhà thầu ngại tiếp nhận.

Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như cát, sắt thép, đá… có biến động theo hướng tăng cao hơn so với giá trị được duyệt làm ảnh hưởng đến kế hoạch lựa chọn nhà thầu và việc triển khai thi công của nhà thầu, nhất là các hợp đồng đã ký với hình thức hợp đồng là trọn gói. Từ đó, dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh hợp đồng xây dựng hoặc chờ giá vật liệu xuống thấp hay bằng với giá hợp đồng đã ký.

Hầu hết các địa phương đều cho rằng, việc thực hiện các dự án đầu tư công vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là trong khâu giải phóng mặt bằng, nhiều người dân đã nhận tiền đền bù nhưng bàn giao mặt bằng chậm do khu tái định cư chưa hoàn chỉnh; một số hộ dân chưa đồng thuận với mức giá đền bù được phê duyệt… Ngoài ra, việc lập hồ sơ dự án chậm hoặc chậm điều chỉnh dự án, thực hiện đấu thầu chậm; chưa chủ động hoàn chỉnh thủ tục thanh toán, quyết toán và giải ngân các dự án; chậm thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán… vẫn là những tồn tại, hạn chế.

Kinh nghiệm từ những điểm sáng

Đầu tư công, giải ngân đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực phát triển, song đây vẫn là nhiệm vụ nặng nề, triển khai khó khăn. Tuy nhiên, trong khó khăn, vẫn có những kinh nghiệm và điểm sáng từ các địa phương giải ngân tốt với những kết quả khả quan.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công cao, năm 2023, UBND tỉnh Long An đã phân bổ gần 9.846 tỷ đồng vốn đầu tư công. Đến hết tháng 10, khối lượng thực hiện đạt hơn 7.747 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 7.717 tỷ đồng, đạt 78,38% so với kế hoạch. Chia sẻ kinh nghiệm để đạt kết quả này, ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An bày tỏ: Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện và giải ngân. Cùng đó, thành lập các tổ kiểm tra thực hiện và giải ngân nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và lập thủ tục giải ngân. Đồng thời, các ngành, các cấp phối hợp giải quyết kịp thời những khó khăn cho chủ đầu tư.

Cùng với Long An, Cần Thơ cũng là địa phương nằm trong Top các tỉnh, thành giải ngân nhanh vốn đầu tư công nhất của cả nước. Tính đến hết ngày 19/11/2023, thành phố Cần Thơ giải ngân được trên 6.168,3 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 73% kế hoạch vốn được Hội đồng nhân dân thành phố giao chi tiết trong năm 2023. Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho hay, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2023 được thành phố tập trung đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống giao thông vận tải. Đến nay, nhiều công trình đã và đang hoàn thành được đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế -xã hội thành phố.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa có thư khen nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã giải ngân đạt hơn 80% vốn đầu tư công được giao trong năm 2023.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân tại địa phương, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các sở ngành thành phố và chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách đẩy nhanh bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mua sắm trang thiết bị và thi công xây lắp của các dự án.

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân hơn 95% vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã yêu cầu, UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức, chủ đầu tư các dự án tiếp tục khắc phục các khó khăn, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực cao hơn nữa để hoàn tất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sớm thu hồi đất, bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án trong 30 ngày còn lại của năm 2023.

Khắc phục tình trạng thiếu đất, cát và nguyên vật liệu để thi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư cần làm việc với nhà thầu để nhanh chóng tiếp nhận cát có chất lượng tốt, tập trung cung ứng cho công trình giao thông. Trên cơ sở khối lượng đã phân bổ, chủ đầu tư có thẩm quyền điều hòa nguồn cát, bố trí loại cát phù hợp cho từng công trình.

Còn theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, để triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới, UBND thành phố Cần Thơ kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố; đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư tại các địa phương, tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân

Đánh giá đúng, trúng tình hình

Trong các nhiệm vụ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất và để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch được giao trong khi thời gian còn rất ngắn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công.

Giải ngân đầu tư công - Bài 1: Dồn lực chặng đua nước rút - Ảnh 2.

Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công sân đường nội bộ tại dự án Khu tái định cư thị trấn Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Các bộ, ngành, địa phương cũng đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc; hoàn thiện các chế tài để có công cụ xử lý hiệu quả hơn các đơn vị, tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác của Chính phủ và cơ chế hàng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương; duy trì các Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy đầu tư công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân liên quan....

Áp lực đặt ra để đạt được mục tiêu trong năm 2023 là rất nặng nề, do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, trong chặng đua nước rút, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực, nhất là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cá nhân người lãnh đạo cao nhất ở mỗi địa phương, đơn vị trước đòi hỏi tăng tốc độ giải ngân. Chính phủ cũng xác định đó là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân hằng năm.

“Trên thực tế thì phần lớn nơi nào lãnh đạo quan tâm sát sao, chủ động trong điều hành thì sẽ đạt kết quả giải ngân tốt. Nếu năm 2023 giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 1,3%. Trong bối cảnh đó, với sự chủ động và khẩn trương thúc đẩy giải ngân của Chính phủ, vốn đầu tư công thực hiện trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy; đồng thời, đóng vai trò “gánh vác và bù đắp” tăng trưởng kinh tế cho các động lực khác trong năm 2023 và những năm tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Bài 2: Lấy thách thức làm động lực

Theo Thúy Hiền

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên