Giải ngân đầu tư công: Vì sao trên nóng, dưới lạnh?
“Mặc dù chưa tháo gỡ hết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhưng những nút thắt trước kia đã được gỡ rất nhiều, vậy tại sao tỷ lệ giải ngân vốn lại không tăng tương ứng? Ngoài yếu tố khách quan, cần phải làm rõ những nguyên nhân chủ quan, liệu có tình trạng sợ trách nhiệm hay không?”, TS. Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - trao đổi với Tiền Phong.
- 16-04-2023Bộ Công Thương đề nghị bổ sung 2 thuỷ điện trên sông Hồng, Bộ Xây dựng nói gì?
- 16-04-2023Thông tin mới về kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
- 16-04-2023Doanh nghiệp phát thải nhiều carbon còn "hờ hững" với mục tiêu giảm phát thải bằng 0
Có tiền không tiêu được gây lãng phí lớn
- Ông thấy sao khi trong quý đầu tiên của năm nay, giải ngân vốn đầu tư công của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, trong đó có đến 13 đơn vị tỷ lệ giải ngân 0%?
Hết quý I năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công có tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%. Nếu cứ như thế này, chắc chắn cả năm 2023 sẽ không giải ngân hết lượng vốn trong dự toán ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển. Điều này dẫn đến hệ quả có tiền không tiêu được, phải chuyển nguồn sang năm sau, mục tiêu chính sách không đạt yêu cầu.
Tình trạng giải ngân vốn chậm, có tiền không tiêu được là vấn đề nóng hiện nay nhưng lại không phải vấn đề mới. Có thể nói, trong hàng chục năm trở lại đây, tình trạng này đã xuất hiện, được đại biểu Quốc hội, giới chức lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương nhìn thấy và có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng việc khắc phục những tồn tại, yếu kém về quản lý đầu tư xây dựng nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng còn rất chậm, tồn tại còn rất lớn.
Biểu hiện rõ nhất là hết quý I năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công có tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%. Nếu cứ như thế này, chắc chắn cả năm 2023 sẽ không giải ngân hết lượng vốn trong dự toán ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển. Điều này dẫn đến hệ quả có tiền không tiêu được, phải chuyển nguồn sang năm sau, mục tiêu chính sách không đạt yêu cầu.
“Tôi cho rằng, điều đầu tiên phải làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan đến đâu, nếu càng lớn xử lý trách nhiệm càng nặng. Phải căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện cụ thể để có hình thức xử lý kỷ luật hành chính, hay phải xử lý ở mức độ xem xét thuyên chuyển công tác”.
TS. Bùi Đức Thụ - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Khi quyết định dự toán ngân sách nhà nước 2023, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ và thấy rõ sau 2 năm COVID-19 bùng phát, nền kinh tế chịu ảnh hưởng rất nặng nề, tăng trưởng chậm lại, nguy cơ suy thoái hiện hữu… Vì vậy, Nhà nước đã phải chấp nhận tăng tỷ lệ bội chi ngân sách, nới lỏng chính sách tài khoá để có nguồn bổ sung, tăng nguồn đầu tư nhà nước. Không chỉ nới lỏng chính sách tài khoá, chúng ta còn nới lỏng chính sách tiền tệ để thu hút nguồn lực tăng cho đầu tư phát triển.
Bây giờ có tiền lại không tiêu được thì mục tiêu này không còn ý nghĩa. Tiền đi vay vẫn nằm yên trong kho bạc, lãi suất vẫn phải trả, tiền chi không hết, dẫn đến lãng phí ghê gớm và tăng gánh nặng cho ngân sách.
- Vậy theo ông, nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này là gì?
Nếu như năm 2022 còn có lý do tác động bởi dịch COVID-19, nhưng năm 2023, tình trạng kiểm soát dịch bệnh tốt hơn nhiều, cuộc sống đã trở lại bình thường. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân thậm chí còn chậm hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Đáng chú ý, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí tới 13 bộ, ngành chưa giải ngân được đồng nào. Vậy tình trạng này có nguyên nhân do đâu?
Trước tiên, cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan thế nào, có khắc phục được không, khắc phục bằng cách nào. Nếu do cơ chế, chính sách thì khó cái gì, vướng cái gì? Còn nếu do chủ quan thì chỗ nào làm sai, hay chưa hoàn thành trách nhiệm để xử lý. Trong 13 đơn vị kể trên, phải xem việc phân bổ vốn như thế nào. Trong các bộ, ngành thường có những dự án chuyển tiếp, đã làm từ năm trước, năm nay chỉ bỏ vốn làm tiếp theo tiến độ. Vậy tại sao lại không tiêu được đồng nào?
Còn với những dự án mới, cần xem nguyên nhân gì. Giải phóng mặt bằng đã có đất sạch chưa? Dự án đã phê duyệt, đấu thầu chưa? Cơ chế, chính sách vướng mắc ở chỗ nào? Chẳng hạn giá cả vật tư tăng cao, càng làm càng lỗ, nên mới chậm, chủ thầu không làm, đòi hỏi phải điều chỉnh tổng mức đầu tư…nếu là lý do khách quan cần phải tháo gỡ, vì Luật Đầu tư công đã cho phép được quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư theo những yếu tố khách quan.
- Ngoài yếu tố khách quan, ông đánh giá thế nào từ những nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu?
Nguyên nhân nào thì có giải pháp đó. Và tôi thấy tình trạng này có nguyên nhân chủ quan nhiều. Cơ chế, chính sách đầu tư công vừa qua đã được sửa liên tục. Dù chưa tháo gỡ hết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhưng những nút thắt trước kia đã được gỡ rất nhiều. Vậy tại sao tỷ lệ giải ngân vốn lại không tăng tương ứng? Đó là câu hỏi đối với các nhà lãnh đạo, quản lý.
Ngoài yếu tố khách quan từ cơ chế, chính sách, cần phải làm rõ những nguyên nhân chủ quan. Liệu có nguyên nhân từ tình trạng sợ trách nhiệm không? Tôi thấy không ít lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đều sợ và ngại, thủ tiêu sự năng động sáng tạo, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Cũng không loại trừ vấn đề lợi ích cá nhân, muốn làm thì cứ phải có phần trăm, nhưng vì sợ trách nhiệm, sợ “lò nóng” nên không dám đụng vào.
Phân rõ trách nhiệm để xử lý
- Vậy theo ông, vấn đề trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu phải được thực hiện thế nào để tạo ra sự chuyển biến?
Rõ ràng vấn đề chế độ trách nhiệm với người đứng đầu cần phải được xem xét cụ thể. Người đứng đầu phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, điều này đã được quy định rất rõ. Nếu vì không “ăn” được nên không làm, thì cần phải xem xét trách nhiệm chính trị trên cương vị người đứng đầu. Cần phải làm công khai, minh bạch, nghiêm túc, xử lý một vài trường hợp để tạo ra sự chuyển động của cả hệ thống.
Cứ tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ trì trệ, đồng nghĩa với suy thoái, tụt hậu. Nơi nào giải ngân kém chứng tỏ năng lực quản lý điều hành của người đứng đầu chưa đạt yêu cầu. Qua đó cũng phải xem xét đến chế độ trách nhiệm cá nhân. Nếu chưa đến mức phải xem xét vị trí của người đứng đầu thì phải có nhắc nhở, phê bình, khiển trách, thậm chí phải cảnh cáo. Cần có chế độ xử lý tuỳ theo từng mức độ để chấn chỉnh lại trật tự kỷ cương.
- Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo và trực tiếp đi làm việc, tháo gỡ nhiều vướng mắc lớn. Tuy nhiên, dường như tại không ít đơn vị cấp dưới, các địa phương vẫn còn tình trạng triển khai rất ì ạch, thưa ông?
Những tồn tại, hạn chế đã kéo dài hàng chục năm, nguyên nhân đã được nhận diện rất rõ, định hướng xử lý cũng rất rõ. Thủ tướng đã thành lập đoàn đi đôn đốc rất quyết liệt, tháo gỡ nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, tại sao trên nóng như thế, dưới vẫn cứ ì ra, không chuyển động gì? Tôi cho rằng, điều đầu tiên phải làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chủ quan đến đâu, nếu càng lớn xử lý trách nhiệm càng nặng. Phải căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện cụ thể để có hình thức xử lý kỷ luật hành chính, hay phải xử lý ở mức độ xem xét thuyên chuyển công tác.
Muốn rõ được trách nhiệm, đúng là phải làm rõ, phân công rõ chế độ trách nhiệm từng cấp, từng khâu. Cơ quan quản lý cấp trên phải làm gì? Cấp dưới không làm được, cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm. Còn làm thế nào để biết cấp dưới không hoàn thành đến đâu, mức độ liên đới đến đâu, nặng nhẹ thế nào, thì bộ máy quản lý nhà nước chúng ta có đầy đủ cả. Kiểm toán có, thanh tra có, thậm chí cần thiết có cơ quan điều tra vào làm rõ.
Rồi cơ quan giám sát, ở địa phương có HĐND các cấp, còn Trung ương có Quốc hội. Giám sát về chính sách thuộc về cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương. Chính sách đúng mà không thực hiện được thì cơ quan này phải vào việc, nhưng cần tránh “cưỡi ngựa xem hoa”, cần chỉ rõ từng vấn đề xem tồn tại đến đâu, ở mức độ nào, chế độ trách nhiệm đến đâu, từ đó đưa ra hướng khắc phục như thế nào, lộ trình ra sao…
Đã đến lúc cần đưa ra những giải pháp cứng rắn để thay đổi tình hình. “Khổ lắm biết rồi nói mãi”, nhưng nói mãi vẫn không làm thì phải xem xét chế độ trách nhiệm, xử lý công khai để làm bài học răn đe, đồng thời phải xây dựng bộ máy mới, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn những vướng mắc về cơ chế, chính sách cần đề xuất kịp thời để tháo gỡ, khắc phục, không thể khoán cho một đơn vị nhà thầu kêu mãi, trong khi các bộ, ngành lại đứng ngoài được.
- Xin cảm ơn ông!
Tiền Phong