MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Đầu tư Quỹ Manulife: Lãi suất đang tạo lực đẩy mạnh cho thị trường chứng khoán

"Riêng năm 2020, nhà đầu tư dài hạn sẽ thu về giá trị. Chúng ta có thể thấy, từ tháng 4 chỉ số đã hồi phục mạnh và trở lại giai đoạn tăng trưởng. Chưa kể, lãi suất giảm tiếp tục tạo lực đẩy mạnh cho TTCK", vị này nói thêm.

Thời gian gần đây, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam giảm rất mạnh đang là mối quan tâm lớn của nhiều người. Khi mà, khoản sinh lợi có lãi suất cố định như tiền gửi sẽ không còn tối ưu, và một lượng tiền sẽ chảy ra ngoài dự kiến đổ vào các kênh đầu tư khác. Trong buổi chia sẻ mới đây, đại diện Manulife nhấn mạnh dòng tiền này sẽ là lực đẩy rất lớn đối với giá tài sản nói chung, và đặc biệt chứng khoán nói riêng.

Trong đó, giá chứng khoán được kỳ vọng sẽ tăng khi lãi suất giảm dựa vào 2 yếu tố gồm:

(i) Yếu tố cơ bản: Khi lãi suất huy động giảm kéo theo lãi vay giảm mạnh, doanh nghiệp sẽ tiết giảm được khoản chi phí lớn cũng như tăng mức lợi nhuận giữ lại.

(ii) Yếu tố định giá: Cùng với đó, theo công thức chiết khấu, lãi suất giảm sẽ khiến mức định giá tăng lên.

Nói rõ hơn về cơ sở cho niềm tin vào sự phục hồi của TTCK, ông Uông Đình Thắng – Giám Đốc Đầu Tư - Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment (Việt Nam) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực.

Cần nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam còn có độ mở lớn nhờ vào việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại chính trên thế giới. Việc kiểm soát được dịch bệnh sớm cũng giúp đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường.

Đặc biệt, dịch bệnh cũng tạo nên sự thay đổi về chuỗi cung ứng và sản xuất, khi các quốc gia và tập đoàn lớn chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn từ quá trình chuyển dịch này.

"Chúng ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế tích cực ngay cả trong điều kiện giãn cách toàn xã hội (trong tháng 4/2020) hoặc giãn cách từng phần (tháng 7/2020). Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng, cán cân thương mại đạt thặng dư cao trong bối cảnh các đối tác thương mại vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch là điểm sáng của Việt Nam thời gian qua", ông Thắng nói.

Chưa kể, nước ta cũng tích cực tham gia vào quá trình hội nhập thông qua các tổ chức, hiệp hội kinh tế - chính trị khu vực đã và sẽ giúp tăng thêm nguồn vốn mới.

Về phía thị trường, sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đối với thị trường chứng khoán ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, nguồn tiền đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vẫn tích cực thông qua việc rót vốn vào các quỹ đầu tư chỉ số ETF (Diamond, VN30...) và các quỹ đầu tư chủ động (VFMVSF, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund...).

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay thị trường còn ghi nhận sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư cá nhân (F0), thể hiện qua số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục, thanh khoản thị trường liên tục tăng cao…

Ngoài ra, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn so với một số thị trường mới nổi khác trong khu vực. Trong  khi đó, chúng ta vẫn còn rất nhiều nhiều yếu tố hỗ trợ như việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, nới room ngoại... sẽ tạo ra nhiều tiềm năng tăng dài hạn.

Cuối cùng, nhìn lại thị trường qua những cơn khủng hoảng, ông Thắng cho biết, giai đoạn 2009-2012 có lúc TTCK mất 46% giá trị, lúc bấy giờ nhiều người không có tầm nhìn dài hạn bắt đầu bán tháo. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2012-2014, chỉ trong vòng thời gian tương đối ngắn VN-Index đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất, và bắt đầu tăng trưởng mạnh giai đoạn về sau.

"Riêng năm 2020, nhà đầu tư dài hạn sẽ thu về giá trị. Chúng ta có thể thấy, từ tháng 4 chỉ số đã hồi phục mạnh và trở lại giai đoạn tăng trưởng. Chưa kể, lãi suất giảm tiếp tục tạo lực đẩy mạnh cho TTCK", vị này nói thêm.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên