MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc DSC: Nhịp tăng vừa qua "hơi vội", thị trường chứng khoán hiện còn khó giao dịch hơn giai đoạn đi ngang trước đây

Giám đốc DSC: Nhịp tăng vừa qua "hơi vội", thị trường chứng khoán hiện còn khó giao dịch hơn giai đoạn đi ngang trước đây

Chuyên gia DSC nhận định thanh khoản tăng mạnh xuất phát từ tâm lý chấp nhận rủi ro cao hơn của nhà đầu tư và một phần không nhỏ những người ưa thích giao dịch ngắn hạn qua các "kho".

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giảm điểm mạnh đi kèm thanh khoản tăng mạnh đột biến. Tổng giá trị giao dịch qua ba sàn lập kỷ lục cao nhất 7 tháng với hơn 27.300 tỷ đồng, lượng cổ phiếu được giao dịch đạt gần 1,5 tỷ đơn vị.

Dòng tiền sau vài phiên trở lại với nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, chứng khoán hay thép đã trở nên suy yếu. Áp lực điều chỉnh sau giai đoạn bùng nổ khiến tâm lý nhà đầu tư càng trở nên hoang mang.

"Thị trường dường như không có dòng tiền mới hay chảy từ kênh tiết kiệm sang"

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM , diễn biến này khả năng cao là hiện tượng phân phối ngắn hạn cục bộ ở một số nhóm cổ phiếu. Việc điều chỉnh có thể được dự đoán khi tâm lý nhà đầu tư đang có dấu hiệu hưng phấn, thị trường rơi vào trạng thái quá mua và lượng tiền trong ngắn hạn đã đạt ngưỡng giới hạn.

Dễ thấy trong phiên 8/6, mức độ giảm chỉ số chung không lớn, nguyên nhân chủ yếu nhờ lực gồng gánh từ một số bluechips đơn lẻ. Tuy nhiên, biên độ điều chỉnh giữa mức điểm cao nhất xuống thấp nhất trong phiên khá lớn. Thống kê cho thấy nửa một nửa cổ phiếu nhóm VN30 ghi nhận mức giảm lớn hơn 2% từ mức thị giá cao nhất trong phiên.

Giám đốc DSC: Nhịp tăng vừa qua "hơi vội", thị trường chứng khoán hiện còn khó giao dịch hơn giai đoạn đi ngang trước đây - Ảnh 1.

Đà giảm từ mức giá cao nhất của nhóm VN30 trong phiên 8/6

Chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sau phiên giảm mạnh chưa hẳn đã trở nên xấu, bởi lẽ cấu trúc dài hạn vẫn đang ổn định với hơn 60% cổ phiếu ở trên đường MA200. Tuy nhiên đây là lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư tránh việc FOMO theo sóng.

“Khi thị trường vượt MA200, mọi người nghĩ sẽ vào uptrend dài hạn nhưng nhà đầu tư đã quên mất ngoài tăng, giảm thì còn xu hướng đi ngang. Năm 2019, thị trường duy trì trên MA200 trong phần lớn thời gian nhưng không có uptrend nào cả. Thị trường hiện tại cũng chỉ đi ngang với biên cao hơn 1.080-1.120”, Giám đốc tại Chứng khoán DSC đánh giá.

Xét về bối cảnh vĩ mô, bức tranh đang có nhiều gam màu chưa thực sự tích cực, chỉ số PMI đang thể hiện nền kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn. Những quyết sách nhằm giải quyết các nút thắt, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hay nhóm bất động sản cũng phải cần thời gian thẩm thấu. Nhịp kéo lên của thị trường vừa qua được cho là “hơi vội” và do đó chưa hẳn đã là điều tốt, như việc xây nhà trên nền cát mà không có móng. Theo ông Huy, thị trường tăng sau đó phân phối thì nhà đầu tư sẽ còn khó giao dịch hơn là giai đoạn đi ngang trước.

Về việc thanh khoản tăng mạnh đột biến, giá trị giao dịch khớp lệnh thậm chí cao hơn tới 60% so với mức trung bình 20 phiên. Ông Huy nhận thấy không có nhiều tiền mới tham gia hay chảy từ kênh tiết kiệm qua đầu tư chứng khoán mà lại tới từ việc kiếm lời ngắn hạn qua các “kho”, chiếm tỷ lệ lớn trong các giao dịch cá nhân. Bộ phận nhà đầu tư này sử dụng đòn bẩy cao, vòng quay ngắn và tư duy rất ngắn hạn để tham gia thị trường. Song, một khi thị trường giảm, với tỷ lệ đòn bẩy cao, các "kho" sẽ quản trị rủi ro rất chặt, do đó có thể xuất hiện ngay những phiên bán tháo bất ngờ khi thị trường rung lắc.

Tóm lại, ông Huy nhận định giá trị giao dịch tăng mạnh xuất phát từ tâm lý chấp nhận rủi ro cao hơn của nhà đầu tư và một phần không nhỏ những người ưa thích giao dịch ngắn hạn qua các "kho chứng khoán".

Vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng nhất định và không nên FOMO, ít nhất là với doanh nghiệp không có nền tảng cơ bản tốt, không nên đu theo những lời hô hào mà không quan tâm bản chất cổ phiếu.

"Thị trường đang tương tự thời điểm khởi đầu của 3 đợt điều chỉnh gần nhất"

Cũng có quan điểm thận trọng, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Chứng khoán DSC cho rằng thị trường đã có nhiều chỉ báo cho thấy trạng thái hưng phấn ở mức cao. Đa số các cổ phiếu trên thị trường đều đã có sóng tăng, do đó không còn nhiều dư địa cho dòng tiền lan tỏa theo chiều rộng. Ngoài ra vận động kỹ thuật cũng cho thấy đà tăng nóng và thanh khoản dâng cao trong bối cảnh chỉ số chưa vượt qua khu vực cản 1.120 điểm. Theo ông Đạt, thị trường đang tương tự thời điểm khởi đầu của 3 đợt điều chỉnh gần nhất

Trạng thái bán ra quyết liệt của dòng tiền lớn đôi khi kích hoạt tâm lý muốn “bắt đáy” của thị trường, tuy nhiên chuyên gia tới từ DSC khuyến nghị nhà đầu tư cần cảnh giác với những hành động mua gom quá vội vàng. Một nhịp điều chỉnh ngắn hạn (dưới 1 tháng) là biến động cần thiết cho sự lành mạnh của đà tăng trung hạn.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên