Giám đốc Economica Vietnam: Coronavirus có thể là một liều vaccine tốt cho nền kinh tế Việt Nam!
“Dịch Covid-19, tuy là một điều không may, nhưng sẽ là liều vaccine kích thích nền kinh tế sản sinh ra các kháng thể tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao khả năng chống chọi trước những cú sốc tương tự”, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam nói với Trí Thức Trẻ.
-Ông đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào do dịch Covid-19?
Nếu nhìn về tác động, chúng ta sẽ phải nhìn ở góc độ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ góc độ cung và cầu, và từ bình diện trong nước và trong khu vực và rộng hơn là trên thị trường quốc tế.
Dịch Covid-19 đã có tác động trực tiếp đến cầu đối với một số hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Trung Quốc là một thị trường đáng kể với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Năm 2019, Trung Quốc mua của Việt Nam lượng hàng hóa tương đương 41,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tỷ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sự suy giảm tăng trường kinh tế và những ách tắc trong hoạt động giao thương sẽ tác động đáng kể tới lượng cầu này đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam.
Đối với một số ngành cụ thể, chúng ta có thể thấy được ngay những tác động trực tiếp và mạnh mẽ như đối với ngành du lịch. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, hơn 2 triệu khách Hàn Quốc, và gần 1 triệu khách Nhật Bản. Đây là những nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch. Chắc chắn con số này sẽ sụt giảm đáng kể trong năm nay, khiến cho doanh thu của ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và kéo theo nó là một loạt các ngành hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch như hàng không, giao thông vận tải, thực phẩm,…
Ngành nông nghiệp cũng sẽ chịu tác động trực diện. Thống kê cho thấy Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Ngay sau khi dịch bùng phát, các sản phẩm sầu riêng, thanh long, dưa hấu ngay lập tức ùn ứ, tồn đọng với số lượng lớn. Nếu dịch không được sớm kiểm soát, chỉ trong vòng một vài tháng tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các lời kêu gọi giải cứu với các loại nông sản khác như vải thiều, măng cụt, dừa khi các nông sản này bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Dịch cũng ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam cho thị trường khu vực và thị trường quốc tế. Năm 2019, Việt Nam nhập từ Trung Quốc khoảng 75,3 tỷ USD, phần lớn các hàng hóa được nhập khẩu là linh kiện, máy móc, nguyên liệu cho các ngành sản xuất như cơ khí, dệt may, điện tử - những ngành hiện đang đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước và đặc biệt là thị trường xuất khẩu.
Ví dụ, nếu tình hình không được sớm cải thiện, một số ngành như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì năng lực sản xuất nhằm cung ứng hàng hóa, sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nghiên cứu mới đây của Ủy Ban Châu Âu cho biết bất kỳ sự gián đoạn nào trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan và một số quốc gia Châu Âu như Đức, Pháp hơn bất kỳ các nền kinh tế nào khác.
Các nền kinh tế này hiện lại đang là các đối tác quan trọng của Việt Nam. Cùng với sự lan rộng của dịch, và cộng hưởng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong đó Trung Quốc đang nắm vai trò quan trọng, các nền kinh tế vốn đang là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này rõ ràng cũng sẽ có tác động tới Việt Nam.
Những tác động tiêu cực của dịch đối với nền kinh tế là rõ ràng, trong ngắn hạn và cả trong trung hạn. Nhưng không thể phủ nhận là đây sẽ là một cơ hội tốt để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, hay một nguồn cung cấp cho sản phẩm đầu ra, cho nguyên liệu đầu vào hay thiết bị, máy móc cần thiết cho quá trình sản xuất.
Dịch lần này giúp chúng ta nhận diện một cách rõ nét và sâu sắc về những điểm dễ tổn thương của nền kinh tế, về những hạn chế trong hệ miễn dịch của nền kinh tế. Nó có thể sẽ là một liều vaccine tốt để kích thích nền kinh tế Việt Nam sản sinh ra các kháng thể nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch và nâng cao khả năng chống chọi của nền kinh tế trước những cú sốc tương tự trong tương lai. Và điều này nếu thực hiện được sẽ lại là điều tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
-Ông có thể nói rõ hơn về tính tích cực của dịch bệnh?
Các ngành hàng, lĩnh vực kinh tế sẽ phải điều chỉnh. Coronavirus giúp họ nhận rõ một thực tế là chuyển đổi là vấn đề sống còn. Ngành du lịch chẳng hạn sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Họ sẽ phải yêu quý khách hàng hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn. Họ sẽ phải đa dạng hóa hơn nữa các đối tượng khách hàng khác như khách du lịch nội địa, khách hàng từ các thị trường châu Âu, châu Úc và Nga.
Tương tự như vậy, ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục phải đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao tính liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các mô hình có quy mô sản xuất lớn tập trung trong đó có các doanh nghiệp lớn đóng vai trò trụ cột, hạt nhân trong chuỗi liên kết với người nông dân. Bằng cách đó, nông, lâm sản phẩm có chất lượng cao và được xuất khẩu chính ngạch. Sự hỗ trợ giữa doanh nghiệp hạt nhân với người nông dân trong chuỗi liên kết được nâng cao. Song song với quá trình này là việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, để hàng hóa Việt Nam có thể đến được nhiều nước, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Các ngành sản xuất và dịch vụ khác cũng sẽ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Không thể chần chừ hay lưỡng lự được nữa. Ngành dệt may sẽ phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình tự chủ được nguyên liệu cho quá trình sản xuất hàng xuất khẩu của mình. Các ngành chế biến, chế tạo sẽ phải điều chỉnh nhằm nâng tỷ trọng nhập nguyên liệu, linh kiện, máy móc cho quá trình sản xuất từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Họ cũng buộc phải nhanh chóng nâng cấp trình độ công nghệ, nâng cao các tiêu chuẩn về lao động, môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn của các thị trường mới. Do vậy, mọi việc không phải hoàn toàn là màu xám. Đây có thể là một cơ hội tốt để đẩy nhanh hơn nữa quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.
-Liệu Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn FDI sau dịch?
Tính riêng trong tháng 1/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng với tình hình dịch như hiện nay, tổng vốn FDI trong năm nay theo số lượng có thể sẽ giảm. Với dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát tại Trung Quốc, có xu thế lan rộng tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đầu tư nước ngoài từ các nền kinh tế này vào Việt Nam sẽ suy giảm trong năm nay.
Tuy nhiên, đây có thể là thời điểm để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Canada, và Châu Âu nhân các cơ hội mang lại từ các hiệp định như CPTPP, EVFTA. Đầu tư từ các nền kinh tế này thường đi kèm với trình độ công nghệ, kỹ thuật cao, các tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đây sẽ là cơ hội để nâng cao chất lượng vốn FDI. Điều này về trung và dài hạn sẽ tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
-Vậy từ phía chính sách Nhà nước và cách cư xử của cộng đồng doanh nghiệp nên như thế nào?
Chính phủ nên định hướng cho doanh nghiệp và tạo cho họ những điều kiện tốt nhất để điều chỉnh hành vi đầu tư, sản xuất. Nhà nước cần đưa ra chính sách tốt, các quy định pháp luật tốt, và môi trường kinh doanh thuận lợi. Nhà nước nên tránh việc can thiệp trực tiếp vào thị trường.
Nhà nước và doanh nghiệp có thể cùng chủ động, linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của điều kiện thị trường.
Ví dụ như đối với ngành sản xuất lúa gạo. Chỉ cách đây khoảng 5 năm, 50% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của chúng ta được xuất sang thị trường Trung Quốc. Song do Trung Quốc thay đổi cơ chế nhập khẩu, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Quá trình này được thực hiện với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, và các hoạt động hỗ trợ về chính sách và xúc tiến thương mại của Nhà nước. Năm 2019, tổng sản lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống còn khoảng 8% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Do vậy, gạo là ngành ít bị ảnh hưởng hơn vì dịch Covid-19.
Ngành gạo đã làm được và tôi tin là các ngành khác cũng sẽ làm được. Chắc chắn là như vậy!
-Nhưng liệu đây là bài toán chỉ với doanh nghiệp lớn, còn với DNNVV, sản xuất nhỏ, việc tồn tại đã là khó khăn nói gì đến việc chuyển đổi như vậy?
Nói như vậy không hoàn toàn đúng. Doanh nghiệp lớn không thể phát triển mạnh mẽ và bền vững mà không có các doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta cần một hệ sinh thái trong đó có các loại hình doanh nghiệp với các quy mô khác nhau. Để phát triển thị trường bền vững, chúng ta cần có các chuỗi giá trị, trong đó các doanh nghiệp lớn phải có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ sản xuất... Do vậy, sự chuyển đổi để tiếp cận thị trường mới, để tiến cao hơn trong toàn bộ chuỗi giá trị cần phải sự chuyển đổi của tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Sự chuyển đổi của ngành gạo không thể chỉ là nhờ các doanh nghiệp lớn, mà là nhờ sự chuyển đổi của hàng chục ngàn DNNVV, cơ sở kinh doanh trong chuỗi, của hàng triệu nông dân đang tham gia quá trình sản xuất gạo. Điều này cũng tương tự như đối với ngành du lịch, dệt may, da giày, thủy sản…hay bất kỳ một ngành nào khác.
-Còn những chính sách giảm thiểu tác động ngay trong ngắn hạn thì sao?
Trước những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại, đã có những ý kiến về việc Việt Nam phải có một gói kích cầu hay sử dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa cần đến giải pháp như vậy.
Nhà nước nên hạn chế việc can thiệp vào thị trường. Những biện pháp đó chỉ nên được sử dụng khi thực sự cần thiết và có cơ sở rõ ràng cho hành động can thiệp. Với tình hình hiện nay và trong 1-2 tháng tới, chúng ta không có đủ cơ sở cho những biện pháp can thiệp mạnh mẽ như vậy.
Điều vô cùng quan trọng với Việt Nam hiện nay là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nới lỏng tiền tệ sẽ gây áp lực rất lớn đến lạm phát. CPI tháng 1 đã tăng 1,23% so với tháng 12 năm 2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Nới lỏng tiền tệ cũng tác động đến tỷ giá hối đoái, khiến VND mất giá so với các đồng tiền khác. Chúng ta cũng cần lưu ý tới điều này trong bối cảnh Việt Nam vẫn bị liệt trong danh sách 10 quốc gia cần giám sát về thao túng tiền tệ.
Với gói kích cầu, chỉ cần làm tốt những việc như giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả đã là biện pháp kích cầu rất lớn. Một gói kích cầu bằng nguồn vốn ngân sách vào thời điểm này là không phù hợp.
Chúng ta cũng học được rất nhiều bài học kinh nghiệm từ các gói kích cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 về tính hiệu quả, tính minh bạch trong phân bổ, sử dụng nguồn lực. Những hệ lụy về áp lực với ngân sách và lạm phát, về sự can thiệp quá sâu vào thị trường cũng là những bài học buộc chúng ta phải cẩn trọng về các ý tưởng đối với giải pháp về gói kích cầu.
Hành động ưu tiên hiện giờ là cần xác định rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối diện và đâu là giải pháp hiệu quả nhất để tháo gỡ. Các doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp du lịch, xuất khẩu... đang gặp các vấn đề về dòng tiền để đảm bảo khả năng thanh khoản. Đối với các doanh nghiệp này, rất cần có các giải pháp để hỗ trợ khả năng thanh khoản của họ, có thể qua cá biện pháp như giãn nợ, trì hoãn việc nộp thuế, phí, lệ phí, hoặc đảm bảo việc hoàn VAT cho họ được nhanh chóng, thuận tiện.
-Một số ý kiến cho rằng bên cạnh giãn nợ, trì hoãn thuế, Chính phủ cũng nên xem xét đến việc giảm thuế cho những doanh nghiệp đang chịu tác động. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
Với giảm thuế, nếu chỉ giảm cho những doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trong giai đoạn này, là không phù hợp. Chính sách thuế phải đảm bảo được nguyên tắc công bằng.
Các doanh nghiệp trong ngành bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và khả năng thanh khoản. Lưu chuyển tiền tệ của họ đang gặp khó khăn. Giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn này thông qua giãn nợ, hoãn nộp thuế, lệ phí, hoặc các khoản phải nộp khác như BHXH, BHYT, đẩy nhanh tốc độ hoàn VAT thì sẽ giúp họ rất nhiều.
Nếu giảm thuế thì cần phải thực hiện giảm cho toàn bộ khu vực DNNVV. Đây là thời điểm tốt để thực hiện đề xuất giảm thuế TNDN cho DNNVV xuống còn 17% hoặc 18%. Chính sách này sẽ tác động đến tất cả doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong một số ngành bị ảnh hưởng. Chính sách này sẽ tạo tác động tích cực trên diện rộng.
-Trong các văn bản kiến nghị của doanh nghiệp lên Chính phủ, ngoài một hai đề nghị cấp thiết, đa phần là những điều đã đề xuất rất nhiều lần qua các năm , quan điểm của ông là gì?
Dịch Covid-19 khiến cánh cửa vào một thị trường hẹp lại. Nhưng cũng đúng thời điểm này, cánh cửa vào một thị trường mới lại mở ra. EVFTA tạo cho chúng ta cơ hội đó. Đây rõ ràng phải là một cơ hội không thể bị đánh mất. Và do vậy, không thể lặp lại tình trạng chần chừ, lưỡng lự nữa. Không thể để những đề xuất, kiến nghị được lặp đi, lặp lại qua nhiều năm nữa.
Trước đó, CPTPP cũng đã tạo ra các kỳ vọng về những thay đổi và hành động mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn, hội nhập và vươn cao hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dịch Covid-19 giúp chúng ta nhận thức rõ hơn cơ hội của việc mạnh dạn bước lên và mở rộng hơn nữa những cánh cửa cơ hội mới này.
-Năm 2003 Việt Nam đối mặt với dịch SARS. So với thời điểm đó và bây giờ, chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế đã thay đổi như thế nào?
Năm 2003 tác động của SARS lên kinh tế Việt Nam không mạnh như hiện tại. Có ba lý do giải thích cho điều này.
Thứ nhất, giai đoạn đó nền kinh tế đang trong chu kỳ phát triển mạnh. Trong gian đoạn 2003 – 2007, Việt Nam liên tục duy trì được tốc độ tăng trường trên 7%, thậm chí có những năm vượt mức 8%. Đà phát triển của kinh tế vào thời điểm bấy giờ là tương đối mạnh mẽ.
Thứ hai, quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc vào thời điểm còn ở mức rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với hiện nay. Sau dịch SARS, Chính phủ gần như không sử dụng một gói giải cứu để hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ ba, thời điểm dịch SARS và ngay sau đó là thời gian Việt Nam đang tích cực nỗ lực chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do vậy, những hoạt động cải cách thể chế, cải cách pháp luật, cải cách thị trường diễn ra liên tục với cường độ cao. Chính những cải cách đó lại có ý nghĩa giải cứu tốt cho nền kinh tế, giúp Việt Nam khắc phục nhanh chóng những thiệt hại kinh tế do SARS gây ra.
Đây cũng có thể là bài học sắp tới cho Việt Nam. Để nhanh chóng hồi phục sau khi dịch được kiểm soát, và tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, chúng ta cần đẩy mạnh các nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế, cải cách hệ thống chính sách, pháp luật, hoàn thiện cơ chế thị trường, đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư, thương mại. Những điều này sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam bớt dễ bị tổn thương hơn và có khả năng chống chọi cao hơn.
Những gì không giết được bạn, sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn. Tôi tin là như vậy!
Cảm ơn ông!
Trí Thức Trẻ
- LienVietPostBank giảm 0,5% lãi suất cho vay
- HDBank ủng hộ 10 tỷ đồng phòng, chống Covid-19, chuẩn bị tung gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng để bình ổn thị trường
- Điểm sáng kinh doanh giữa dịch COVID-19: Các dịch vụ "đi chợ online" bùng nổ
- Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng
- Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 giống như một đội bóng đang thi đấu trận quan trọng, nếu sợ hãi sẽ thua cuộc!