MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Phục hồi xanh không có nghĩa là đánh đổi tăng trưởng kinh tế!

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Phục hồi xanh không có nghĩa là đánh đổi tăng trưởng kinh tế!

Trong khuôn khổ buổi lễ công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "Điểm lại" của Ngân hàng Thế giới (WB), trao đổi với Trí Thức Trẻ về quá trình khôi phục hậu Covid-19 và các ưu tiên phát triển dài hạn, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, tập trung vào các hoạt động tăng trưởng xanh sẽ giúp Việt Nam đảm bảo khả năng chống chịu, thích ứng tốt và nhanh hơn trong tương lai.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Phục hồi xanh không có nghĩa là đánh đổi tăng trưởng kinh tế! - Ảnh 1.

Cụ thể, khi được hỏi về việc liệu Việt Nam cần thay đổi chính sách gì để thúc đẩy các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho phát triển bền vững, bà Carolyn Turk nhấn mạnh cần thay đổi các chính sách về đầu tư theo hướng xanh hơn.

"Tôi cho rằng trong giai đoạn hậu Covid-19, Việt Nam cần tiến hành thay đổi các chính sách về đầu tư mà qua đó thúc đẩy khôi phục nền kinh tế theo hướng xanh, có tính chống chịu cao, mạnh mẽ nhất có thể".

Đồng thời, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng đề xuất Việt Nam cần cân nhắc các chính sách giúp chuyển đổi nhanh chóng từ việc sử dụng than sang các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. "Đây chính là khu vực có nhiều sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân. Điển hình như Việt Nam có thể áp dụng các chính sách này các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát điện".

"Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có những thay đổi về giá điện để có thể mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp tư nhân. Từ đó, họ có động lực để đầu tư vào năng lượng tái tạo, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất than như hiện nay", bà Carolyn Turk cho hay.

Như vậy, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho năng lượng sạch hơn, hoặc hỗ trợ có điều kiện cho các doanh nghiệp cắt giảm mạnh lượng khí thải, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng carbon. Khi Việt Nam khuyến khích đầu tư và làm cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo đem lại lợi nhuận cao hơn cũng sẽ giúp cho việc truyền tải điện được thông suốt hơn.

Những chính sách tập trung vào môi trường này sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng và xanh hơn trong tương lai.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Phục hồi xanh không có nghĩa là đánh đổi tăng trưởng kinh tế! - Ảnh 2.

Trên thực tế, những thách thức về thiên tai và khí hậu đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam. Chính phủ cũng đã tiên phong trong sự nghiệp môi trường, bao gồm tại Hội nghị Paris về khí hậu năm 2015.

Thiệt hại về thiên tai gây ra ảnh hưởng không chỉ đến khả năng chống chịu và tính bền vững của nền kinh tế, mà còn đến năng lực duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bao trùm. Chẳng hạn, phát triển nhanh cơ sở hạ tầng mà không cân nhắc những rủi ro về thiên tai và khí hậu đang làm gia tăng nhanh chóng các hiện tượng tự nhiên bất lợi. Với mức tăng dự kiến lên đến 265% trong 10 năm tới, thiệt hại trực tiếp do thiên tai gây ra bình quân hàng năm riêng ở các tỉnh vùng duyên hải ước tính sẽ tăng lên đến 4,2 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, những thành quả phát triển cũng có thể bị xói mòn bởi những tổn thất về người, cơ sở sản xuất kinh doanh, đất canh tác và cơ sở hạ tầng bị phá huỷ, năng suất lao động và sản lượng nông nghiệp suy giảm. Đồng thời, thất thu thuế; ngân sách nhà nước căng thẳng do phải chi tiêu cho hoạt động cứu trợ và tái thiết. Điển hình như vừa qua, nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận sản lượng nông nghiệp giảm do ô nhiễm tài nguyên nước và đất đai bạc màu.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: Phục hồi xanh không có nghĩa là đánh đổi tăng trưởng kinh tế! - Ảnh 3.

Việt Nam hiện đang đứng giữa ngã rẽ để phục hồi hậu Covid-19. Vậy. Việt Nam sẽ lựa chọn giữa lộ trình như trước đó hay lộ trình phục hồi xanh?

Khi có nhiều ý kiến cho rằng phục hồi xanh là phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế, bà Carolyn Turk khẳng định: "Chúng ta không nên suy nghĩ như vậy".

"Việc thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, đồng thời phục hồi tăng trưởng là hai yếu tố bổ sung, hỗ trợ cho nhau chứ không phải là đánh đổi. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa đây đã đưa ra 5 rủi ro hàng đầu về kinh tế, và tất cả đều liên quan tới vấn đề suy thoái môi trường hoặc biến đổi khí hậu".

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng lo ngại hơn về những thành tố khác nhau trong sản phẩm và tác động của chúng đến môi trường trong quá trình sản xuất. "Ngay cả con của tôi, trước khi mua điện thoại cũng phải lên mạng và kiểm tra dấu chân carbon (lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do quá trình sản xuất sản phẩm tạo ra) của từng chiếc điện thoại", đại diện WB tại Việt Nam chia sẻ.

"Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và trong tương lai, chúng ta sẽ còn nghe nhiều về những vấn đề liên quan".

Cuối cùng, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam kết luận: "Chính phủ, chính quyền các cấp cần phải chung tay để giải quyết. Tôi tin rằng, đầu tư vào tăng trưởng xanh sẽ không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai, mà ngược lại, sẽ đảm bảo tăng trưởng Việt Nam với khả năng chống chịu, thích ứng tốt hơn, mạnh hơn, nhanh hơn trong tương lai".

Quỳnh Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên