MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ Covid-19 đến biến đổi khí hậu: Bài học nào Việt Nam có thể rút ra?

Từ Covid-19 đến biến đổi khí hậu: Bài học nào Việt Nam có thể rút ra?

Ngày 21/12, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "Điểm lại" tại Hà Nội. Tại đây, bên cạnh việc mô tả những xu hướng gần đây của nền kinh tế Việt Nam, Kinh tế gia trưởng Jacques Morisset đã đặt ra câu hỏi: "Tại sao Việt Nam vẫn chưa xử lý những thách thức về môi trường và khí hậu một cách hiệu quả như kiểm soát dịch Covid-19?".

Nền kinh tế trái ngược hoàn toàn với những diễn biến ảm đạm trên toàn cầu

Ông Jacques Morisset cho biết, Việt Nam đã làm rất tốt trong khủng hoảng Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thể hiện được dấu ấn trên toàn cầu về cả thương mại và đầu tư, trong khi đó thương mại và đầu tư trên toàn cầu lại có xu hướng giảm đi. Dự kiến nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,8% trong năm 2020, trong khi đó, nền kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Đây là thời điểm rất quan trọng khi các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều ở mức cao, nhưng tiến triển cụ thể đạt được vẫn mờ nhạt. Trong thời gian tới, thách thức chính của Việt Nam là phải triển khai thực hiện các cải cách, các khoản đầu tư và các chính sách giúp xử lý những thách thức về môi trường và khí hậu.

"Việt Nam đã xử lý rất tốt Covid-19 và là nước đi đầu về xử lý đại dịch Covid-19 nhưng tại sao, trong vấn đề về khí hậu và môi trường, thì Việt Nam chưa làm được tốt như vậy?", đại điện WB đặt vấn đề.

"Đương nhiên, so sánh bao giờ cũng sẽ khập khiễng ở một mức nhất định, song chúng ta vẫn cần phải so sánh bởi nó giúp chúng ta có thể tư duy rộng hơn".

"Về thành công trong cuộc chiến chống dịch, tôi cho rằng truyền thông đã dành nhiều giấy bút để giải thích tại sao Việt Nam lại làm tốt rồi. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý rằng Việt Nam đã chuẩn bị ở mức tốt trước khủng hoảng, có hành động rất sớm ở ngay từ đầu thời kỳ dịch, cũng như rất thông minh trong ứng phó nhằm truy vết và khoanh vùng dịch bệnh".

Từ Covid-19 đến biến đổi khí hậu: Bài học nào Việt Nam có thể rút ra? - Ảnh 1.

Ông Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam

Vậy Chính phủ Việt Nam đã làm gì để có được những thành công như vậy?

Có 3 yếu tố. Thứ nhất là tầm nhìn. Ngay từ đầu giai đoạn dịch bệnh, Chính phủ đã biết cần làm gì và bắt đầu xây dựng nhóm công tác, ban chỉ đạo. Tiếp theo là năng lực. Việt Nam đã sẵn sàng chi tiêu, phân bổ các nguồn lực tài chính cũng như các nguồn lực khác trong việc quản lý khủng hoảng này. 

Cuối cùng đó là Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả các công nghệ, không chỉ truyền thông qua các kênh khác nhau, mà còn qua các nền tảng điện tử, các nền tảng số. Đây là một bước đổi mới, sáng tạo lớn và giúp Việt Nam có thể truyền thông và liên lạc rất nhanh chóng, tạo ra động lực cho những người tham gia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Tại sao Việt Nam lại giải quyết chưa tốt các vấn đề về môi trường và khí hậu?

"Khi tôi đi nhiều nơi, chúng tôi đã đặt câu hỏi cho rất nhiều người và câu trả lời chúng tôi nhận được đó là: Covid-19 là một vấn đề rất bức thiết và vì chúng ta đều nói đến vấn đề này ở tất cả mọi nơi, bởi vì nó có thể làm con người thiệt mạng, và ảnh hưởng tới kinh tế".

"Điều này là đúng", ông Jacques Morisset khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Jacques, thách thức về khí hậu và môi trường cũng rất lớn và sẽ có tác động lớn hơn nữa trong tương lai. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bên cạnh thiệt hại từ bão với tần suất và cường độ ngày càng lớn thì ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam là một nguyên nhân gây tử vong cho 60.000 người mỗi năm.

Một ví dụ khác đó là đồng bằng sông Cửu Long - điển hình về thảm họa về sinh thái do mực biển dâng cao, đất canh tác bạc màu, dẫn tới tổn thất về năng suất nông nghiệp. Theo ước tính của ADB, thiệt hại kinh tế về môi trường và biến đổi khí hậu có thể tương đương 6-7 điểm phần trăm GDP của Việt Nam.

2 bài học từ Covid-19 để đối phó với thiên tai ở Việt Nam 

Ông Jacques cho hay, một số bài học rút ra từ ứng phó với Covid-19 của Chính phủ hoàn toàn có thể áp dụng được đối với vấn đề về khí hậu và môi trường.

Trong đó, có hai bài học quan trọng:

Một là khủng hoảng Covid-19 chứng tỏ rằng tốt hơn hết là luôn ở trạng thái sẵn sàng và hành động nhanh và quyết liệt khi cú sốc bên ngoài xảy ra. Nhờ đó, các chính sách, hoạt động và đầu tư Việt Nam cần nhanh chóng lấy yếu tố xanh và sạch làm chủ đạo.

Không hành động ngay sẽ làm tăng chi phí lên nhanh chóng, vì rất nhiều thiệt hại là không thể đảo ngược. Báo cáo đưa ra một vài gợi ý để giúp Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong về khôi phục xanh và sạch cả trên đất liền và đại dương trong thời kỳ hậu đại dịch.

Hai là các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên vận dụng cách tiếp cận giúp họ triển khai nhanh chóng những biện pháp chống dịch thành công. Ngoài tầm nhìn và năng lực, cần phải làm nhiều hơn nữa để khai thác thêm những kiến thức, áp dụng thêm nhiều biện pháp sáng tạo.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam có thể, và sẽ làm được. Nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, môi trường và biến đổi khí hậu cần được xem là một trong những trọng tâm quan trọng của Chính phủ Việt Nam", ông Jacques Morisset kết luận.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên