MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Quốc gia WB: Việt Nam là quốc gia đang chuyển mình

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới nói về sự trỗi dậy của Đông Á và Việt Nam...

"Như các bạn có thể thấy trên đường từ Hà Nội đến khách sạn này, Việt Nam là quốc gia đang chuyển mình. Nhìn từ nhiều hướng, những tiến bộ của Việt Nam phản ánh tiến bộ chung của Đông Á…".

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhấn mạnh điều đó khi phát biểu tại Hội nghị toàn thể Mạng lưới Quản lý chi tiêu công Châu Á (PEMNA) năm 2019 do Việt Nam đăng cai. Dự kiến Hội nghị sẽ kéo dài từ ngày 22 đến 24/5 tại Quảng Ninh.

Sự chuyển mình của Việt Nam

Theo ông Ousmane Dione, sự chuyển mình của Việt Nam được thể hiện qua những trải nghiệm như tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5% trong 5 năm qua. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ khoảng 21% năm 2010 xuống 9,8% năm 2016. Định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đã được nâng cấp lên "BB"… Tất cả những điều đó cho thấy những cải thiện về thể chế của Chính phủ Việt Nam và triển vọng trưởng trưởng kinh tế dài hạn.

"Nhìn từ nhiều hướng, những tiến bộ của Việt Nam phản ánh tiến bộ chung của Đông Á. Thực chất, đó là sự kế tiếp của các nền kinh tế Đông Á đi lên quốc gia thu nhập thấp sang quốc gia thu nhập trung bình trong nửa thế kỷ qua. Sự trỗi dậy của Đông Á được phản ánh qua sự nổi lên của năm nền kinh tế lớn trong ASEAN  là Indonesia, Philippine, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Nhưng đằng sau mức tăng trưởng chung của khu vực là những chênh lệch mà các quốc gia đang nỗ lực giải quyết. Như trường hợp Việt Nam và Campuchia có mức thu nhập theo đầu người lần lượt chỉ bằng 5% và 3% so với mức thu nhập cao bình quân trong khu vực…", ông Ousmane Dione lưu ý.

Phân tích thêm, ông Ousmane Dione chỉ ra, sự thành công của mô hình phát triển Đông Á chủ yếu dựa vào ba trụ cột: Định hướng đối ngoại (hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu), đầu tư cho con người và quản trị kinh tế lành mạnh. Trong đó ông Ousmane Dione chú ý đến trụ cột thứ 3 là quản trị kinh tế.

Để đạt được thành công như ngày nay, các nhà hoạch định chính sách của Đông Á đã nhận thức được rằng phát triển bền vững đòi hỏi phải quản trị kinh tế đáng tin cậy và có năng lực, bắt đầu bằng ổn định kinh tế vĩ mô và kỷ cương tài khóa trong dài hạn. Quản trị kinh tế đáng tin cậy và có năng lực được phản ánh trong việc khu vực từng bước cải thiện điểm số về "hiệu quả quản trị nhà nước". Chỉ số quản trị nhà nước toàn cầu là đánh giá được quốc tế công nhận về quản trị nhà nước của các quốc gia, dựa  trên dữ liệu tổng hợp từ nhiều nguồn để đưa ra điểm số tương quan.

Hiệu quả của chính phủ là một trong 6 nội dung đánh giá, bao gồm các yếu tố như chất lượng dịch vụ công, chất lượng và sự độc lập của công vụ, chất lượng hoạch định và triển khai chính sách.

Giữa thập kỷ 1990, các quốc gia đang phát triển ở Đông Á có thứ hạng khá thấp so với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình khác trên toàn cầu, nhưng đến năm 2016 đã có mười quốc gia cùng nhau đuổi kịp và vượt mức bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình. Dĩ nhiên, trong nhóm các quốc gia nay, một số còn trội hơn các nước khác so với bình quân của các quốc gia thu nhập trung bình.

Thách thức lớn theo thời gian

Tuy nhiên, hiện đang có những thách thức mới nổi trên nhiều mặt. Các quốc gia cần xác định và điều chỉnh cách tiếp cận đã từng phù hợp trong quá khứ nếu muốn chèo lái hiệu quả trong môi trường toàn cầu mới. Một số thách thức trong đó ngày càng lớn lên theo thời gian, một số chỉ mới nổi lên trong một hai năm nay.

Trong báo cáo chủ đạo gần đây của Ngân hàng Thế giới với tên gọi "Đông Á đang trỗi dậy: Chèo lái trong một thế giới thay đổi", các chuyên gia kinh tế  của WB đã trích dẫn 3 thách thức đối với mô hình tăng trưởng của khu vực: Tăng trưởng năng suất chậm, rủi ro về tăng trưởng bao trùm, và thách thức về hiệu quả của chính phủ.

Như vậy, yếu tố sau phản ánh tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh nhanh chóng trong khu vực, có tiếng nói nhiều hơn và hiểu hơn về chất lượng dịch vụ công và kỳ vọng chính phủ thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó là những thách thức gần đây trên toàn cầu: sự mở rộng của chính sách bảo hộ thương mại ở các nền kinh tế lớn, bất định chính sách tiếp tục diễn ra ở châu Âu, nợ tăng lên ở các nước đang phát triển đang muốn đẩy mạnh đầu tư. Đối mặt với những thách thức mới nổi đó, Bộ Tài chính cần đóng vai trò tạo thuận lợi qua chính sách tài khóa hiệu quả và quản lý rủi ro tài khóa ở các quốc gia thu nhập trung bình.

Nghiên cứu của WB cho thấy huy động thu trong nước ở các quốc gia đang phát triển Đông Á hiện tương đối thấp so với các quốc gia thu nhập cao và trung bình ở những khu vực khác. Nhiều quốc gia Đông Á đang dựa vào thuế gián thu, như thuế Giá trị gia tăng và Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là những loại thuế có tính lũy thoái cao, trong khi thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân thì chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ… 

Ngoài ra, những thách thức mới trong huy động thu như hệ thống thuế chưa thích ứng và xử lý những rủi ro mới nổi về chuyển giá và chuyển lợi nhuận giữa các quốc gia, cũng như sự bùng bổ của dịch vụ số hóa xuyên biên giới. Trong khi nhu cầu về dịch vụ tăng lên do đó cần đảm bảo hệ thống thuế có đủ năng lực huy động đủ nguồn lực nhằm đảm bảo bền vững đồng thời duy trì được môi trường thuế hiệu quả và thân thiện với tăng trưởng…

Phân tích thêm, ông Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam và các quốc gia Đông Á cần chú trọng đến việc tái cơ cấu ngân sách. Chúng tôi nhận thấy nhiều quốc gia có dư địa tài khóa còn hạn hẹp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Vì vậy các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp nhằm giảm tăng chi thường xuyên, chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách để chuyển hướng chi tiêu cho các lĩnh vực ưu tiên hơn.

Bên cạnh đó là việc quản lý nợ an toàn và bền vững vì chính tại Hội nghị mùa xuân của IMF – Ngân hàng Thế giới vừa kết thúc tháng 4/2019, các bộ trưởng tài chính đã bày tỏ tiếp tục quan ngại về khối lượng huy động vốn cho hạ tầng toàn cầu tăng lên nhanh chóng có thể dẫn đến mức nợ thiếu bền vững ở một số quốc gia. Trong công bố báo chí cuối cùng, họ kêu gọi nâng cao minh bạch hơn nữa về nợ khu vực công và tư nhân. Thách thức của các cán bộ quản lý tài chính công trong khu vực của chúng ta là đảm bảo chi phí thực của hợp đồng nợ phải minh bạch và trả nợ phải bền vững đồng thời đảm bảo đầu tư bằng nguồn đó phải đem lại lợi ích kinh tế cao nhất.

Theo Linh Đan

VnEconomy

Trở lên trên