MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Vụn Art: Tôi muốn sản phẩm của mình sống được chứ không nhờ giúp đỡ!

12-02-2019 - 13:54 PM | Sống

Anh Lê Việt Cường – Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) chia sẻ: "Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội nhìn thấy sẽ nói ‘phải ủng hộ’, ‘phải giúp đỡ’. Như thế thì chúng tôi sẽ không đi xa được".

Tại Vụn Art, những mảnh vải vụn lụa Vạn Phúc tưởng như vô dụng, qua bàn tay tỉ mỉ, cần cù, sáng tạo của những người thợ đặc biệt – những người khuyết tật, lại tạo nên những bức tranh vô cùng độc đáo.

Sản phẩm của Vụn Art lấy cảm hứng từ chủ đề tranh dân gian Việt Nam như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, mang đậm bản sắc dân tộc, chứa đựng tâm hồn, văn hóa Việt Nam. Nền tranh là vải Đũi Vạn Phúc và tranh ghép từ nguyên liệu vụn vải lụa Vạn Phúc.

Giám đốc Vụn Art: Tôi muốn sản phẩm của mình sống được chứ không nhờ giúp đỡ!           - Ảnh 1.

Tranh ghép của Vụn Art đạt chất lượng cao về thẩm mỹ, nghệ thuật, có độ bền cao, không bị mốc, phai màu và dùng trang trí rất đẹp. Việc tái chế những mảnh vải vụn thành sản phẩm hữu ích tất nhiên còn góp phần tránh lãng phí, bảo vệ môi trường.

Những mảnh vải vụn đang ghép nên từng bức tranh tươi sáng hơn cho 16 mảnh đời bất hạnh. Hợp tác xã hỗ trợ các trường hợp như khiếm thính, vận động, down và tự kỷ. Các bức tranh được làm hoàn toàn thủ công.

Để làm nên một bức tranh, cần phải chọn vải, lọc lại, là phẳng rồi ép, sau đó dán vào bìa. Anh Cường chia tất cả công việc thành những công đoạn nhỏ, tìm công việc phù hợp với khả năng của từng người để họ làm.

Giám đốc Vụn Art tâm sự: "Cần phải có sự kiên nhẫn và kiên trì, các bạn ấy yếu chỗ nào thì mình dạy chỗ ấy. Thay vì hướng dẫn hàng loạt thì mình thuê một người đến hướng dẫn các bạn một kèm một".

Giám đốc Vụn Art: Tôi muốn sản phẩm của mình sống được chứ không nhờ giúp đỡ!           - Ảnh 2.

Bản thân người giám đốc tận tâm này cũng mắc căn bệnh bại liệt từ nhỏ. Trải qua muôn vàn đau đớn với 10 cuộc phẫu thuật trong vòng 6 năm, giờ đây anh Cường đã có thể tự bước đi. Dù việc đi lại chưa hoàn toàn thuận tiện nhưng anh vẫn đến hợp tác xã Vụn 3 lần một tuần để giúp đỡ các bạn khuyết tật khác. Anh nói: "Bản thân tôi cũng từng gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin việc làm, nên tôi rất hiểu. Nếu không có việc làm mình sẽ trở thành gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội".

Anh Cường bật mí về cái tên đặc biệt: "Cái tên Vụn có ý nghĩa là ghép những mảnh vải vụn nhỏ mà mọi người nghĩ là sẽ bỏ đi. Cũng giống như cuộc đời của những người khuyết tật chúng tôi, ghép lại với nhau thành một mảng, tạo ra ý nghĩa xã hội lớn".

Sau hơn 1 năm lên ý tưởng và đi vào hoạt động, đến nay, 16 người khuyết tật với sự giúp đỡ của anh Cường đã có việc làm ổn định. Trong đó có người làm trực tiếp và có người người làm ở nhà, thứ 7 hàng tuần sẽ mang sản phẩm đến trả. "Đặc thù của người khuyết tật khiến họ mặc cảm rất nhiều nên tôi thường phải đến tận nhà động viên, nói rõ về công việc để thuyết phục các bạn và gia đình đưa các bạn đến", anh Cường cho biết.

Giám đốc Vụn Art: Tôi muốn sản phẩm của mình sống được chứ không nhờ giúp đỡ!           - Ảnh 3.

Không chỉ hỗ trợ những mảnh đời kém may mắn, hợp tác xã Vụn còn là một mô hình hoạt động không gian sáng tạo, thu hút lượng lớn khách du lịch đến làng lụa Vạn Phúc. Giữa muôn vàn những cửa hàng trưng bày các sản phẩm từ tầm trung đến cao cấp, Vụn Art nổi bật lên như một phép màu thú vị của sự kết hợp giữa bàn tay khéo léo của người khuyết tật với vải lụa từ nghệ nhân Hà Đông.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên