MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg, người tiêu dùng có được hưởng lợi?

31-03-2020 - 12:35 PM | Thị trường

Có 15 DN chăn nuôi lớn đã cam kết đồng loạt hạ giá lợn hơi về bình quân 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 tới, sau cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 30/3. Tuy nhiên, liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi từ việc giảm giá, khi miếng thịt đi qua quá nhiều khâu trung gian?

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, C.P sẽ đồng hành với Chính phủ, Bộ NN&PTNT, người tiêu dùng và cam kết sẽ hạ giá lợn hơi từ mức 73.000-75.000 đồng/kg, xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 tới.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu việc giảm giá chỉ số ít DN thực hiện, hiệu quả sẽ không cao. Bởi, trong khi C.P hiện bán giá 75.000 đồng/kg, nhưng thị trường vẫn bán 82.00-85.000 đồng/kg.

Ông Tuấn tính toán, với giá lợn hơi 75.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán ra thị trường chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do phải qua nhiều nấc trung gian, nên thịt lợn đến người tiêu dùng trên 140.000 đồng/kg.

“Do vậy, nếu một mình C.P giảm cũng không giải quyết được, và quan trọng, nông dân và cả người tiêu dùng đều không được hưởng lợi”, ông Tuân phân tích và đề nghị: “Các DN cần đồng loạt giảm giá theo kêu gọi của Chính phủ, chúng ta phải minh bạch, trung thực với giá bán, lúc đó, người tiêu dùng mới được hưởng lợi”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ này đã kiểm tra tại một số DN lớn như C.P, Dabaco, CJ Vina…cho thấy, C.P đang đứng đầu cả nước với đầu số lợn hơi chiếm 16,5% thị phần, sản lượng lợn hơi xuất chuồng chiếm 19,71%. “Với quy mô toàn quốc, hiện chưa có DN nào chiếm 30% thị phần để xem xét yếu tố cạnh tranh. Tuy nhiên, với C.P, riêng khu vực miền Nam họ chiếm tới 50,36%...về nguồn cung thịt lợn nên cần lưu ý điều này”, ông Hải nói.

Lãnh đạo C.P cũng cho biết, để hạn chế khâu trung gian, C.P đang xây dựng nhà máy giết mổ, cuối năm 2020 sẽ hoàn thành với công suất khoảng 4.000 con lợn/ngày; liên kết, thuê nhà máy để đưa sản phẩm thịt mát ra thị trường.

Cũng cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco kiến nghị, cần đưa thịt lợn vào diện những mặt hàng bình ổn giá hoặc dự trữ quốc gia, khi giá xuống thấp có thể mua vào, lúc khan hàng sẽ bán ra, từ đó có điều kiện kiểm soát giá tốt hơn. Cùng đó, ngành chăn nuôi lợn đưa vào diện được áp dụng bảo hiểm nông nghiệp.

Giảm giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg, người tiêu dùng có được hưởng lợi? - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương kiểm soát, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi thịt lợn

 Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Masan- đơn vị cung ứng thịt mát MEATDeli qua chuỗi siêu thị Vinmart, cửa hàng, đại lý cho biết, tuần qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua thịt mát tăng gấp 4-5 lần, trong khi Masan chỉ đáp ứng được 1/4 con số đó.

“Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần định hướng để các DN chăn nuôi lớn như CP, Dabaco, De Heus, Japfa có thể cùng ngồi lại với Masan để bàn phương án hợp tác, phối hợp cùng nhau trong toàn chuỗi cung ứng. Từ đó sẽ giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường, tiến tới giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán”, đại diện Masan kiến nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, có tình trạng, thương lái sau khi bắt ra cửa chuồng trại của DN là đã bán tăng lên 10 giá. Như vậy, khâu lưu thông ở đây lợi nhuận còn cao, người chăn nuôi và người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi khâu này.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoanh nghênh các DN đồng hành cùng Chính phủ, tiên phong giảm giá thịt lợn xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

“Trong thời dịch Covid-19, nhiều người dân bị giảm việc làm, giảm thu nhập, nhưng lại mua thực phẩm với giá cao…nên ảnh hưởng rất lớn”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng: “Việc giảm giá thịt lợn không chỉ là chia sẻ, mà còn là văn hóa, đạo đức, nhiệm vụ chính trị của DN, trong việc chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng, người chăn nuôi, đồng thời để đảm bảo kinh tế vĩ mô”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo tăng đàn thời gian tới, trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, không làm mất cân đối cung- cầu; phát triển theo chuỗi, cùng chăn nuôi an toàn; tăng nhập khẩu thịt lợn để hạ nhiệt giá trong nước.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương tăng kiểm soát, đặc biệt cần giảm khâu trung gian, đang chiếm tới khoảng 40% trong cơ cấu giá thịt lợn. Đồng thời, phải đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn trong mùa dịch Covid-19; xử lý nghiêm các hiện tượng găm hàng, đẩy giá, gây tâm lý hoang mang trên thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cùng với Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng liên quan, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng xuất,nhập khẩu thịt lợn trái phép.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, cả nước sẽ phấn đấu 3,9 triệu tấn thịt lợn, trong đó Quý I/2020 cung cấp khoảng 810.000 tấn, Quý II/2020 là 950 nghìn tấn, Quý III là hơn 1 triệu tấn và Quý IV gần 1,1 triệu tấn. Dự kiến cuối Quý II, đầu Quý III năm nay, cơ bản đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu thịt lợn cả nước.

Giảm giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg, người tiêu dùng có được hưởng lợi? - Ảnh 5.

Theo Nam Khánh

Tiền phong

Trở lên trên