MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất: Bước đi đúng trong thận trọng

15-07-2017 - 21:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã có mức tăng vọt so với nhiều năm trở lại đây, điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, cùng những nỗ lực giúp cải thiện khả năng hấp thu vốn của DN. Vì thế, động thái giảm nhiều loại lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần này được đánh giá sẽ càng hỗ trợ đắc lực cho những mục tiêu Chính phủ đề ra, nhưng phải có sự kiểm soát để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Tín hiệu thuận lợi

Động thái giảm lãi suất của NHNN là để hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế Chính phủ đề ra. Nhưng cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN phải thực thi thận trọng bởi NHNN không thể tăng thêm biện pháp hành chính để xử lý. Hơn nữa, NHNN cũng đã rất thận trọng khi chưa vội hạ trần lãi suất huy động. Đặc biệt, trước đây, NHNN cũng đã dùng công cụ tiền tệ, cân đối thị trường để hỗ trợ tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên nên việc điều chỉnh này không đặt ra lo ngại về việc tăng thêm biện pháp hành chính lên các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, mấu chốt là NHNN cần thận trọng với tốc độ tăng trưởng tín dụng, không nên quá vội vàng khi đã có nhiều cảnh báo về tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam được đưa ra.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành:

Theo thông báo của NHNN, từ ngày 10/7, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm 0,25%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, XK, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao giảm 0,5%/năm (giảm từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm). Theo lý giải của NHNN, động thái này để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ DN phát triển. Hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN, ngay lập tức, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, hiện còn khoảng 5-6,5%/năm.

Trước đó, Chỉ thị 24/CT-TTg của Thủ tướng giao các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã yêu cầu NHNN phải xây dựng phương án cụ thể, phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến lạm phát, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang được ổn định, dự báo lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội (4%). Ngoài ra, lãi suất còn được hỗ trợ do áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn, việc phát hành trái phiếu Chính phủ 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi. Chính vì thế, các chuyên gia và nhiều DN đều đánh giá động thái giảm lãi suất của NHNN là một bước đi đúng, giúp DN có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Về vấn đề này, các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, sau khi NHNN hạ các loại lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại có thể tiếp cận được nguồn vốn với chi phí đầu vào rẻ hơn, hỗ trợ tích cực giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Dù mức độ giảm các mức lãi suất như trên còn khiêm tốn và hiệu ứng thực tế đối với thị trường cần thêm thời gian để kiểm chứng nhưng sẽ có tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán xét ở khía cạnh chi phí vay vốn margin của nhà đầu tư có thể sẽ trực tiếp được điều chỉnh giảm cũng như chi phí tài chính của các DN có vốn vay lớn sẽ dần hạ xuống, giúp cải thiện lợi nhuận trong năm nay.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, NHNN đã làm rất khéo khi hạ trực tiếp lãi suất cho vay mà không hạ lãi suất huy động. Vì khi lãi suất đầu vào giảm thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa, ngân hàng thiếu vốn sẽ càng cho vay đắt hơn. Đây chính là nguyên tắc của kinh tế thị trường, nên NHNN phải vừa làm vừa quan sát.

Cần kiểm soát

Mặc dù có những thuận lợi để NHNN dựa vào giảm lãi suất, nhưng điều này có thể dẫn tới những lo ngại về việc tăng trưởng tín dụng quá “nóng”, nhất là trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng gần 7,5% so với cuối năm 2016, cao nhất trong vài năm trở lại đây (theo Tổng cục Thống kê). Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi liệu rằng tăng trưởng tín dụng 18-20% có được không? Khi đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cho rằng, tăng trưởng tín dụng đặt mục tiêu 18-20% là an toàn trên cơ sở kiểm soát lạm phát, đảm bảo chất lượng tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô thuận lợi.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tín dụng của Việt Nam vào cuối năm 2016 đã tương đương với 124% GDP, cao hơn với các nước ASEAN-5, các nước thu nhập trung bình khác và đặc biệt là các quốc gia có trình độ phát triển tương đồng. Hơn nữa, BVSC cũng cảnh báo, diễn biến 6 tháng đầu năm nay cho thấy sự đảo chiều khi tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn so với tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2). Theo tính toán của BVSC, phần chênh lệch giữa phần tăng thêm của M2 và phần tăng thêm của tín dụng tại thời điểm 20/6/2017 là âm 13.000 tỷ đồng. So với thời điểm cuối quý I/2017 thì phần chênh này đã giảm đi khoảng 40.000 tỷ đồng, còn so với thời điểm cuối năm 2016 thì đã giảm đi khoảng 218.000 tỷ đồng.

Vì thế, mặc dù hoan nghênh động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN nhưng các chuyên gia vẫn đưa ra cảnh báo về sự thận trọng khi NHNN có tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ. Bởi rõ ràng hiện nay, nền kinh tế trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều biến động khó lường, “bài toán” nợ xấu vẫn còn khối lượng khổng lồ phải xử lý dù đã thông qua “cách giải”. Không những thế, việc giảm lãi suất cho vay sẽ khiến hệ số NIM (chỉ số xác định chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí phải trả cho nhà đầu tư của ngân hàng) co lại, ảnh hưởng tới lợi nhuận của các tổ chức tín dụng.

Do vậy, ông Nguyễn Đức Long, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã khẳng định, đồng bộ với giải pháp điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Nhưng bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý; đồng thời, các ngân hàng thương mại phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra, nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, cần chủ động và kiểm soát kịp thời bởi tăng trưởng quá nhanh rất dễ dẫn đến hệ lụy không mong muốn.

Theo Hương Dịu

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên