MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất: Nhiệm vụ có khả thi?

08-06-2016 - 14:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp (DN)- đó là nhiệm vụ mà Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, câu chuyện giảm lãi suất thực sự là vấn đề không dễ, vì nó “cấu” vào lợi nhuận của chính ngân hàng.

Thực ra, câu chuyện lãi suất vẫn muôn đời là vấn đề mâu thuẫn giữa ngân hàng và DN, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng.

DN thì luôn muốn vay rẻ, dù hạ đến mấy vẫn kêu cao, trong khi ngân hàng thì không muốn hạ lãi suất cho vay, vì lãi suất cho vay là “giá bán” của ngân hàng, muốn giảm lãi suất cho vay, trước mắt ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí, trong khi giảm lãi suất huy động thì phải do thị trường quyết định. Trong thời điểm hiện nay, lãi suất huy động vừa trải qua một đợt dâng sóng mới, nên việc giảm lãi suất cho vay càng gây khó khăn cho các nhà băng.

“Lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu Chính phủ và diễn biến của lạm phát. Cùng với đó là dự báo lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6-2016 sẽ có xu hướng tăng trở lại, do NHNN đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối”- đó là nhận định của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) khi dự báo lãi suất trong quý III.

Lãi suất huy động tăng, dĩ nhiên lãi suất cho vay khó có thể giảm, thậm chí giữ nguyên đã là vấn đề nan giải.

Phía cơ quan quản lý, NHNN trong chỉ thị mới đây của tân Thống đốc Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng; rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Thống đốc yêu cầu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Thực tế, hơn một tháng qua, một loạt ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank) và một số ngân hàng TMCP như TPBank, Techcombank, SHB… đã giảm lãi suất cho vay 0,5%-1% áp dụng với những khách hàng tốt. Song, đi cùng với động thái cố gắng giảm lãi suất là lợi nhuận của ngân hàng cũng bị bớt xén theo.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho hay, đợt giảm lãi suất này sẽ khiến BIDV giảm khoảng 400 tỷ đồng doanh thu. Để có nguồn giảm lãi suất, BIDV cố gắng từ nay đến cuối năm 2016 sẽ tiết giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng…

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có đủ tiềm lực để hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất. Trên thực tế, số ngân hàng tham gia giảm lãi suất chỉ mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hệ thống ngân hàng.

Theo tính toán, lãi suất cho vay của các ngân hàng là 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) trong khi giá vốn đầu vào đã lên tới trung bình 7,8%/năm (gồm lãi suất huy động 4,9%/năm, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%). Như vậy, ngân hàng “ăn” chênh lệch lãi suất chỉ còn rất nhỏ và muốn giảm lãi thì phải “cắt” lợi nhuận hoặc giảm nhân viên, giảm chi phí.

Rõ ràng, nỗ lực giảm lãi suất của ngân hàng là đáng ghi nhận, song theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay, các DN Việt Nam đang phải vay ngân hàng với lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,5%/năm, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015.

Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu đựng là 7 – 8%/năm- cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (ví dụ như lãi suất thực của Philippine là 2,2%/năm, lãi suất thực của Malaysia là 2,1%/năm). Như vậy, để nâng cao cạnh tranh, tiếp tục hạ lãi suất là điều cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện nay, yếu tố quan trọng nhất để giảm lãi suất không nằm ở phía ngân hàng nữa mà nằm ở Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất cao như hiện nay, chắc chắn lãi suất không thể giảm. Số liệu cho thấy tính đến hết tháng 5-2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công trên 147 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu.

Còn theo số liệu của NHNN, 5 tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng 4% trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng gần 6%, cho thấy các ngân hàng đang đổ mạnh tiền vào TPCP, trong khi tín dụng vẫn tăng khá chậm.

Ngoài ra, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, các ngân hàng thương mại vẫn còn chậm được tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt VAMC, sự cạnh tranh của khối ngân hàng yếu kém, tình trạng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao… là các rào cản níu lãi suất ở mức cao.

“Để việc giảm lãi suất trở nên khả thi, trước mắt, NHNN cần cho các ngân hàng vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, cho vay trái phiếu đặc biệt VAMC, tăng tốc độ xử lý nợ xấu để ngân hàng có thêm dòng tiền thực… Đặc biệt, Chính phủ phải quyết liệt giảm chi tiêu công hơn nữa, nếu không việc phát hành TPCP quá lớn sẽ tiếp tục tăng áp lực lên lãi suất”- chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực góp ý.

Theo Lệ Thúy

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên