Giảm lãi suất: Nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng phải đảm bảo tiền chảy vào sản xuất, không phải đầu cơ bất động sản
Động thái hạ trần lãi suất của NHNN mới đây được xem là bước tiếp theo trong chính sách nới lỏng tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Một số trang báo lớn của nước ngoài đã đưa tin về động thái hạ trần lãi suất huy động và lãi suất cho vay một số lĩnh vực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bloomberg đưa tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong động thái nới lỏng mới nhất, đã cắt giảm lãi suất cho tiền gửi bằng đồng và "lệnh" các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ các lĩnh vực kinh doanh chính.
Trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 tháng - dưới 6 tháng đã được cắt giảm xuống còn 5% từ 5,5%/năm, có hiệu lực từ ngày 19/11. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay tối đa đối với các khoản vay ngắn hạn xuống 6% từ mức 6,5%.
Quyết định này của NHNN nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là trong nông nghiệp, các ngành công nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu.
Động thái này là bước đi tiếp theo sau khi NHNN cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 9 vừa qua, đồng thời sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội rằng Chính phủ muốn cắt giảm lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên. Đây là một trong những biện pháp giúp hỗ trợ sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng nói chung với mức lạm phát mục tiêu trong năm 2019 là dưới 4%/năm.
Trên tờ Bloomberg, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách Việt Nam, cho biết, đây có thể là một tín hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa bởi Chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn để có bước đệm vững chắc hơn đối mặt với bất kỳ “cơn gió ngược nào” từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên phải đảm bảo rằng dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, không phải chảy vào các khu vực có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.
Tham khảo Bloomberg