MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lệ phí trước bạ ô tô lại lo quá tải hạ tầng

Việc giảm lệ phí trước bạ ô tô đem lại lợi ích cho người dân, tuy nhiên, việc gia tăng phương tiện khiến nhiều người lo ngại gia tăn ùn tắc giao thông.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký, ban hành Nghị định 70/2020, quy định mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019 trước đó. Như vậy, kể từ ngày 28/6 đến hết năm nay, xe ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ. Ngay lập tức, lượng người quan tâm đến việc mua ô tô tăng mạnh. Tuy nhiên, việc gia tăng phương tiện ô tô cá nhân đang khiến nhiều người lo ngại về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vốn là những vấn đề nan giải bấy lâu nay của 2 đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi Nghị định số 70/2020 được triển khai, Công ty TNHH vận tải và du lịch Đức Vinh đã mua ngay 10 chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ mua thêm lô hàng 40 chiếc xe nữa để phục vụ công việc kinh doanh của mình.

Giảm lệ phí trước bạ ô tô lại lo quá tải hạ tầng - Ảnh 1.

Việc gia tăng phương tiện ô tô cá nhân đang khiến nhiều người lo ngại về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH vận tải và du lịch Đức Vinh cho biết, khi được giảm lệ phí trước bạ 50% thì giá thành cho thuê dịch vụ của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 10%. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân.

“Sau dịch Covid-19, nhu cầu đi lại của khách hàng nhiều hơn. Khi có chính sách giảm giá này, chúng tôi đón nhận với tinh thần rất vui mừng. Chúng tôi có định hướng kinh doanh tăng lượng xe sản xuất trong nước mua về để kinh doanh, phục vụ khách hàng. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường cho thuê nói riêng và thị trường du lịch nói chung”, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc nói.

Càng ám ảnh tình trạng tắc đường

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên VOV tại các Show room ô tô ở Hà Nội, mặc dù chưa đến mức chen chúc, nhưng lượng người đến tìm hiểu để mua xe đã tăng đột biến. Như vậy có thể thấy, mục đích của Nghị định số 70/2020 là kích thích tiêu dùng trong nước, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 có thể đạt được. Tuy nhiên sẽ có những vấn đề kèm theo khiến nhiều người lo ngại.

Anh Lê Văn Toàn, một người dân ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Việc giảm 50% thuế trước bạ, là người dân tôi thấy rất tốt. Đây là điều kiện để chúng tôi tiếp cận gần hơn với những chiếc xe trước đây có giá rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn, khi sống tại Thủ đô, đi hàng tiếng mới đến được cơ quan và chỗ để xe cũng không có. Liệu đến lúc nhiều người tiếp cận được và mua được ô tô như thế này thì không biết giao thông sẽ như thế nào và chỗ để xe sẽ ra sao”.

Nỗi lo của anh Toàn cũng là nỗi lo chung của người dân tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, chỉ tính riêng ở 2 thành phố này, lượng ô tô đang hoạt động đã vượt quá con số 1 triệu chiếc. Tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông, dẫn đến việc ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Lượng phương tiện ô tô, xe máy cứ tiếp tục tăng. Hàng loạt chung cư, nhà cao tầng vẫn đua nhau mọc lên dọc các tuyến đường khiến tình trạng quá tải về hạ tầng ngày càng nghiêm trọng.

Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải cho rằng, xe ô tô lắp ráp trong nước được giảm thuế trước bạ lần này chủ yếu phục vụ cá nhân. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng ở nước ta mới chỉ đáp ứng được gần 15% nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách đô thị vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giao thông cá nhân. Đây là vấn đề cần được xem xét và có giải pháp theo lộ trình cụ thể.

“Trước mắt đã thấy các thành phố lớn ùn tắc rồi. Cứ chạy theo, đuổi theo việc chống ùn tắc thì rất mệt mỏi. Nếu ta cứ cho sản xuất nhiều xe, bán thật nhiều xe, đăng ký thật nhiều, thu lợi một ít về phí này phí khác, nhưng thực sự sẽ ảnh hưởng đến mật độ giao thông và ùn tắc giao thông lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, ông Bùi Danh liên chia sẻ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc gia tăng ô tô để kích cầu nhưng rất cần những biện pháp hành chính để người dân sử dụng hiệu quả và hạn chế tác động xấu đến cuộc sống trong tương lai gần. Nếu cứ diễn biến như hiện nay, chỉ vài năm nữa, Hà Nội có thể mất kiểm soát về giao thông, còn TP. HCM cũng kẹt cứng. Trong khi đó, giải pháp đã được bàn thảo rất nhiều để giảm ùn tắc giao thông, ngoài việc “lên cao, xuống thấp” thì có một giải pháp quan trọng là phải giảm xe cá nhân. Đây là việc nhiều nước đã làm được, nước ta rồi cũng sẽ phải làm./.

Theo Thành Trung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên