MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám sát chặt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các ngân hàng để nắm thông tin việc sử dụng tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, qua đó kịp thời phát hiện dòng tiền ra - vào bất thường.

Sau hàng loạt bất cập trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát quỹ này để hoạt động công khai, minh bạch trong năm 2024 và thời gian tới.

Chưa thu hồi được quỹ

Theo thông tin mới nhất liên quan các vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp ngân sách số tiền nợ quỹ hơn 600 tỉ đồng và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách sau hơn 1 tháng doanh nghiệp không có hồi âm.

Trước đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi Công ty TNHH TM Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, yêu cầu nộp số nợ Quỹ Bình ổn giá hơn 200 tỉ đồng. Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Xuyên Việt Oil chuyển nộp toàn bộ số dư Quỹ Bình ổn giá tại doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước; đồng thời gửi bản sao chứng từ nộp tiền về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được thông tin về việc thực hiện chuyển nộp số dư Quỹ Bình ổn giá từ 2 doanh nghiệp nêu trên. Đây là 2 "ông lớn" xăng dầu có vi phạm liên quan quỹ đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Ngày 27-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết các doanh nghiệp trên thuộc diện thu hồi Quỹ Bình ổn giá về ngân sách nhà nước. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần yêu cầu, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện việc nộp Quỹ Bình ổn giá về ngân sách.

Theo ông Phạm Văn Bình, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này liên quan một số vụ án đang trong quá trình điều tra. Do đó, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế, thu hồi cần phối hợp với các bên liên quan theo trình tự, quy định. Về phía Bộ Tài chính, ông Bình cho biết sẽ thực hiện các biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ để thu hồi Quỹ Bình ổn giá về ngân sách.

Một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội của Hải Hà Petro đã tạm ngừng hoạt động

Một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội của Hải Hà Petro đã tạm ngừng hoạt động

Nguy cơ bị doanh nghiệp chiếm dụng

Theo quy định tại Nghị định 95/2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng quỹ.

Đây là băn khoăn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Theo ông Hòa, Quỹ Bình ổn giá là quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng dầu người dân mua, song lại đặt ở doanh nghiệp là không hợp lý. Vì vậy, cần xem xét thấu đáo việc này trong lần sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu tới đây, theo hướng đặt quỹ ở bộ quản lý như Bộ Tài chính hoặc Bộ Công Thương.

Việc quản lý Quỹ Bình ổn giá đang xuất hiện những dấu hiệu cho thấy còn lỏng lẻo, công tác giám sát chưa được chú trọng. Hệ quả là có doanh nghiệp đã chiếm dụng hàng trăm tỉ đồng tiền quỹ.

  • Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ sửa đổi các Nghị định 83, 95 và 80 về kinh doanh xăng dầu

    Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ sửa đổi các Nghị định 83, 95 và 80 về kinh doanh xăng dầuĐỌC NGAY

Trước những tồn tại liên quan Quỹ Bình ổn giá, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng ngoài báo cáo từ các doanh nghiệp đầu mối, liên bộ Tài chính - Công Thương cần tăng cường giám sát việc trích lập, sử dụng quỹ này để sớm phát hiện những bất thường, từ đó ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng quỹ.

Trước tình trạng doanh nghiệp đầu mối chiếm dụng Quỹ Bình ổn giá, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại - nơi thương nhân kinh doanh xăng dầu mở tài khoản quỹ này - nhằm theo dõi việc sử dụng tài khoản quỹ. Qua đó, kịp thời phát hiện dòng tiền bất thường ra - vào tài khoản Quỹ Bình ổn giá. 

Tái phạm nhiều lần sẽ bị thu hồi giấy phép

Theo ông Phạm Văn Bình, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá; báo cáo, công khai theo quy định tại Nghị định 80/2023 và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vi phạm, căn cứ mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên