MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế, phí để hỗ trợ xuất khẩu ra sao?

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu của VN chưa như kỳ vọng, ước đạt 82,24 tỉ USD, tăng 5,9% và bằng 46,2% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay, đây là nỗ lực rất lớn của các ngành, các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về hoạt động xuất khẩu sáu tháng đầu năm.

Ông Khánh cho biết: những bất ổn của kinh tế thế giới, sự phục hồi chậm của các nền kinh tế lớn... đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có VN. Chẳng hạn, xuất khẩu của khu vực EU giảm 1%, Nhật Bản giảm trên 11%, Trung Quốc giảm 7,6%, Indonesia giảm trên 13%...

* Ngoài khó khăn chung, đâu là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của VN chậm lại, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân, từ cả phía cầu lẫn phía cung. Trước những bất ổn của kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng nhu cầu trên toàn cầu chững lại. Nhu cầu nhập khẩu của các nền kinh tế lớn và là nhà nhập khẩu lớn của VN như Hoa Kỳ, EU sụt giảm.

Các nước nhập khẩu đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật, các quy định ngặt nghèo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động thương mại biên giới...

Trong khi đó, cung hàng hóa trên thị trường thế giới tăng dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nước xuất khẩu hàng hóa. Các đối thủ có nguồn cung tương tự với VN như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... gia tăng cạnh tranh cả về lượng và về giá thông qua sự điều hành tỉ giá, tiền tệ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, vẫn có nhiều điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu của VN. Chẳng hạn, khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng 3,3% trong khi cùng kỳ năm trước khối này giảm 2%, xuất khẩu nông sản cũng tăng...

* Nhưng xuất khẩu nông sản VN đã không đạt mục tiêu và một số lĩnh vực công nghiệp cũng gặp khó?

- Thật ra lượng nông - thủy sản VN xuất khẩu vẫn tăng, với tổng giá trị xuất khẩu tăng 630 triệu USD. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu giảm nên đã kéo kim ngạch xuất khẩu của nhóm giảm 514 triệu USD.

Đặc biệt, nếu tính chung nhóm hàng nông - thủy sản, xuất khẩu sáu tháng đầu năm vẫn tăng 6% so với cùng kỳ (cùng thời điểm này năm 2015, xuất khẩu nhóm này đã giảm khoảng 8%). Và chính tăng trưởng của nhóm nông - thủy sản đã góp phần tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống nông dân.

Nhóm hàng công nghiệp tuy không có mức tăng đột biến như những năm trước nhưng vẫn đạt khoảng 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung. Dù vậy, giá hàng loạt mặt hàng giảm, đặc biệt là dầu thô, đã tác động tới tăng trưởng xuất khẩu.

Riêng nhóm nhiên liệu, khoáng sản, việc giảm giá và cả sản lượng xuất khẩu (theo chủ trương giảm xuất khẩu thô) khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh, chỉ còn đóng góp khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.


Dù thương mại toàn cầu có xu hướng giảm nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tăng - Ảnh: Châu Anh

Dù thương mại toàn cầu có xu hướng giảm nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn tăng - Ảnh: Châu Anh

* Ngành công thương có những giải pháp gì để đảm bảo xuất khẩu cả năm sẽ đạt mục tiêu đã đề ra vào đầu năm?

- Kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng chậm và còn nhiều rủi ro, bởi các nước sẽ có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa, đưa ra nhiều rào cản thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản VN đã đến ngưỡng sản xuất, nhóm công nghiệp chưa xuất hiện năng lực sản xuất mới có quy mô lớn.

Môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn có độ trễ trong việc triển khai. Việc tiếp cận các chính sách, các yếu tố khác như vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa..., vẫn còn nhiều hạn chế.

Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% của năm 2016 sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi không chỉ Bộ Công thương mà các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực.

Riêng Bộ Công thương sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp như tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao vai trò của các thương vụ ở nước ngoài... Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng bền vững, cần kích thích đầu tư để tạo ra năng lực sản xuất mới. Đặc biệt, có thể xem xét lại các khoản thuế, phí và thủ tục bất hợp lý để giúp doanh nghiệp hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh...

* TPP được kỳ vọng nhiều, nhưng liệu nó sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018 như dự kiến hay có nguy cơ bị xem lại, thưa ông?

- TPP là hiệp định lớn, đề cập rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực rất mới như thương mại điện tử... Quốc hội các nước đều cần thời gian để nghiên cứu. Ngay khi kết thúc đàm phán, không ai kỳ vọng TPP sẽ được phê chuẩn sau vài tháng. Các nhà đàm phán đã tính toán rất kỹ và quyết định dành thời gian 2 năm cho việc phê chuẩn.

Đến nay, VN đã hoàn tất tờ trình xin phê chuẩn và sẵn sàng trình TPP ra Quốc hội vào bất kỳ thời điểm nào, tùy vào lịch làm việc của Quốc hội. Cũng không có nước nào đặt vấn đề đàm phán lại TPP, kể cả Hoa Kỳ.

Sẽ rất khó để đàm phán lại TPP bởi đạt được thỏa thuận mới với cả 12 nước là điều không dễ. Bản thân TPP cũng đã có được sự cân bằng hết sức tinh tế, nghiêng về hướng nào cũng sẽ phá hỏng sự cân bằng này.

* Việc Anh quyết định rời khỏi EU có ảnh hưởng tới Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN vừa kết thúc đàm phán với EU hay không?

- Chúng tôi đã nhận được sự khẳng định từ Ủy ban châu Âu rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, EU vẫn sẽ triển khai thủ tục phê chuẩn các FTA đã ký. EU sẽ tuân thủ tất cả cam kết trong hiệp định và khi Vương quốc Anh chính thức rút khỏi EU, sẽ không có bất kỳ thay đổi nào với FTA giữa Việt Nam và EU.

Theo Cầm Văn Kình

Tuổi trẻ

Trở lên trên