Giãn chu kỳ đăng kiểm: Bộ Giao thông bảo cẩn trọng, chuyên gia nói cần làm ngay
Tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra tại nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội.
Trong bối cảnh nhiều trung tâm đăng kiểm vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu giãn chu kỳ đăng kiểm. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng cần làm ngay.
- 16-03-2023Cần Thơ sẽ đầu tư 180.000 tỷ đồng phát triển công nghiệp
- 16-03-2023Một loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh hơn 400% trong 2 tháng đầu năm
- 15-03-2023Địa phương có cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bộ GTVT cho biết, chu kỳ đăng kiểm muốn giãn phải có nghiên cứu đánh giá. Ví dụ trước đây 6 tháng muốn kéo dài một năm cần phải có nghiên cứu từng loại xe, kinh nghiệm của thế giới. Cùng một dòng xe nhưng nhu cầu sử dụng và mục đích sử dụng khác nhau nên phải có đánh giá. “Không thể giãn một cách chủ quan, ngẫu nhiên”, vị này nói.
Theo vị đại diện, hiện Bộ GTVT mới trình để ban hành Nghị quyết tạm thời trong quá trình sửa đổi Nghị định 139 .
“Bộ quán triệt tinh thần lắng nghe ý kiến chuyên gia, người dân và doanh nghiệp liên quan đến chu kỳ đăng kiểm. Bộ trưởng đã chỉ đạo xem xét khẩn trương về việc này. Hiện các cơ quan của Bộ đang tập trung, nghiên cứu”, vị đại diện nói.
Đại diện Bộ GTVT cho biết thêm, Thông tư 16 chuẩn bị ban hành trong tháng 3 sẽ miễn đăng kiểm lần đầu xe ô tô mới . Việc này nhằm giải quyết bài toán cấp bách đầu tiên trong bối cảnh ùn tắc các trung tâm đăng kiểm hiện nay. Nếu áp dụng, sẽ giảm 10 - 20% áp lực đăng kiểm trong thời điểm hiện tại.
"Giãn chu kỳ đăng kiểm liên quan đến quản lý chứ không phải nói giãn ngay và bỏ luôn được. Việc giãn đăng kiểm phải kiểm tra, quản lý để đảm bảo thực thi có hiệu quả, đáp ứng người dân và đảm bảo an toàn. Việc giãn chu kỳ đăng kiểm có thể nằm trong việc sửa Nghị định 139”, vị này nói.
Trong khi đó, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, để giải quyết vấn đề ùn tắc đăng kiểm và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, vấn đề then chốt nhất là thay đổi chu kỳ đăng kiểm.
Theo ông Tạo, thông tư về đăng kiểm cách đây 20 năm có quy định các phương tiện cũ phải đăng kiểm 3 tháng, 6 tháng, bởi vì thời điểm đó xe cũ nhiều, chất lượng kém. Tuy nhiên, chu kỳ đăng kiểm này đến nay không còn hợp lý nữa.
"Xe cũ bây giờ chất lượng vẫn tốt và tuổi thọ cao hơn do công tác bảo dưỡng, sửa chữa đã tốt hơn trước rất nhiều. Nếu vẫn níu kéo chu kỳ đăng kiểm cũ sẽ tổn thất nhiều chi phí, công sức", ông Tạo nói và cho biết, nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy, phần lớn các quốc gia đều có chu kỳ đăng kiểm thấp nhất là một năm.
Việc kéo dài chu kỳ kiểm định là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, xe gia đình, không kinh doanh vận tải cần được kéo dài chu kỳ kiểm định khoảng 18 tháng. Nhiều gia đình không thường xuyên sử dụng ô tô, lại bảo dưỡng xe cẩn thận. Những xe kinh doanh như taxi, xe tải cũng cần thay đổi chu kỳ kiểm định, nhưng phải có tiêu chí khắt khe hơn so với xe cá nhân.
"Nếu chúng ta duy trì thời gian đăng kiểm như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thì sẽ giảm được 1/3 khối lượng công việc, đồng nghĩa sẽ giảm chi phí cho đăng kiểm, không mất nhiều công sức. Số tiền tiết kiệm được lên đến hàng trăm tỷ đồng", ông Tạo nói và cho rằng chu kỳ đăng kiểm do Bộ GTVT ban hành, chỉ cần xin ý kiến các Bộ, ban, ngành khác để thay đổi.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lượng xe dự kiến quá hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội khoảng 78.600, các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu. Từ ngày 15/3, Hà Nội có thêm 9 trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại, nâng tổng số trung tâm đang hoạt động là 15.
Tiền Phong