Gian lận thuế GTGT – Bài 3: “Mánh khóe” trong chứng từ, thủ tục
Nhìn lại các hành vi gian lận thuế GTGT thời gian qua có thể thấy, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi, phức tạp. Ảnh minh họa
Đáp ứng yêu cầu cải cách, nhiều thủ tục hành chính thuế đã được tinh giản trong những năm qua. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, cố tình vi phạm pháp luật thuế…
- 11-07-2022Thu nhập bình quân đầu người (PPP) của Việt Nam xếp thứ mấy thế giới?
- 08-07-2022Thu nhập bình quân của Việt Nam hiện thay đổi ra sao?
- 05-07-2022Địa phương từng xếp thứ 41/63 về thu nhập bình quân vươn lên lọt top 10 cả nước như thế nào?
Nhiều lĩnh vực tưởng chừng như đơn giản lại xuất hiện gian lận thuế phức tạp. Ảnh minh họa
Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trước, theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng đã phát hiện nhiều đường dây liên kết giữa các doanh nghiệp “ma” với nhau để mua bán sử dụng hóa đơn với số lượng và giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như Công ty TNHH Junma Phú Thọ mua bán hóa đơn có giá trị lên đến 2.000 tỷ đồng; Ngô Văn Phát - Công ty CP thương mại xăng dầu Phát tại Hải Phòng, cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn lên đến 5.000 tỷ đồng; Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức đã lập khống các hợp đồng kinh tế xuất khẩu với số tiền gian lận thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều lĩnh vực tưởng chừng như đơn giản lại xuất hiện gian lận thuế phức tạp. Chẳng hạn các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng là hàng nông, lâm, thủy sản, gian lận thuế bằng cách sử dụng hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu. Trong đó các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nông lâm sản thành phẩm thu mua nguyên liệu của người dân và các cơ sở nhỏ lẻ không có hóa đơn GTGT, mua hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu...
Các công ty lập chứng từ, hồ sơ hoàn thuế khống , không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, không có hàng hóa mua vào, mua hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, các doanh nghiệp không có địa chỉ kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng.
Nhìn lại các hành vi gian lận thuế GTGT thời gian qua có thể thấy, mức độ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi, phức tạp. Các hành vi như: thành lập doanh nghiệp để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, câu kết với các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế GTGT, hạch toán chi phí…, diễn ra khá nghiêm trọng với mức độ ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, với những chiêu trò tinh vi và mờ ám, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nhiều đối tượng đã dùng các chiêu trò gian lận để được hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền hàng chục tỷ đồng từ các lô hàng xuất nhập khẩu. Các chuyên gia cho rằng, điều này đã và đang đặt ra yêu cầu cảnh giác cao hơn đối với các đơn vị hải quan “chốt” tại cửa khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, Điều 22 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định liên quan đến việc tổ chức thu thuế GTGT nêu rõ: “Cơ quan thuế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT và hoàn thuế GTGT đối với các cơ sở kinh doanh; cơ quan hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Sau đó, tại Thông tư 99/2016/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính cũng quy định rõ: Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu và hoàn thuế GTGT nộp thừa khâu nhập khẩu.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, với những quy định đó, việc quản lý hoàn thuế GTGT chủ yếu thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế. Song, với trách nhiệm quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu nói chung, cơ quan hải quan cũng có thể phát hiện ra nhiều thủ đoạn tinh vi “ẩn sâu” trong những chứng từ làm thủ tục của doanh nghiệp.
Trên thực tế, cơ quan hải quan đã phát hiện hành vi lợi dụng chính sách thành lập doanh nghiệp đơn giản, quy định về giải thể doanh nghiệp và quản lý hồ sơ giải thể không chặt chẽ, chế tài xử phạt quá nhẹ, các đối tượng đã tiến hành thành lập doanh nghiệp để tạo vỏ bọc cho hoạt động phạm pháp. Lợi dụng việc tự in ấn, phát hành hóa đơn GTGT để tạo ra một nguồn hóa đơn dồi dào, hợp thức hóa cho nguồn gốc của các lô hàng xuất khẩu.
Các đơn vị hải quan cũng đã phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi về thủ tục hải quan (kiểm tra xác suất) để gian lận thương mại khi xuất khẩu hàng hóa, như: xuất khống hàng hóa; xuất ít hơn so với khai báo; xuất không đúng chủng loại so với khai báo (khai báo một loại, xuất một loại); khai báo loại có trị giá cao, xuất loại có trị giá thấp; khai báo sai tên hàng, mã hàng để lập khống hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu, xác nhận thực xuất. Sau đó, lập khống hóa đơn chứng từ, xuất khẩu hàng hóa ít nhưng khai nhiều để hoàn thuế.
Đáng chú ý là trong năm 2017-2018, cơ quan hải quan đã phát hiện 8 công ty nhập khẩu nông sản trị giá hàng ngàn tỷ đồng được tiêu thụ nhưng không khai và tính thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại. Ước tính số tiền thuế GTGT gian lận khoảng hơn 61 tỷ đồng. Điển hình của các loại hình vi phạm này chính là vụ “Thu Duc House”. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, vụ việc có đến 70 doanh nghiệp liên quan, kéo dài từ năm 2017 với nhiều đối tượng tham gia; có sự câu kết, chỉ đạo chặt chẽ giữa đối tượng chủ mưu cầm đầu và các đối tượng giúp sức, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, cần sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…
Theo bà Cúc, thời gian qua, để thành lập doanh nghiệp chỉ cần đăng ký; còn nội dung đăng ký như nơi ở, chứng minh nhân dân thật hay giả, địa chỉ nơi đặt văn phòng có thực hay không đều chưa được kiểm tra trước và sau đăng ký, việc thực sự bỏ vốn để hoạt động kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh. Do đó bà Cúc cho rằng, cần có cơ chế quản lý sau khi cấp phép có hiệu quả nhằm giám sát quản lý doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của luật pháp.
“Cơ quan thuế cần tăng cường công tác hậu kiểm, chú ý hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào nếu có nghi vấn tiến hành kiểm tra xác định hành vi của các đối tượng, xem xét trụ sở, địa điểm kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp doanh nghiệp. Các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nói.
Còn nữa…
Diễn đàn Doanh nghiệp