"Gieo quẻ" đầu năm: Triển vọng năm 2020 ngành ngân hàng
Ngành ngân hàng đang ngày càng được củng cố lành mạnh, hoạt động chuẩn mực,...Nhưng ngành ngân hàng cũng vẫn còn một số ngân hàng yếu kém cần xử lý.
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Năm 2019 được xem là một năm khá thành công với ngành ngân hàng, cả về mặt chính sách điều hành lẫn kết quả kinh doanh các nhà băng. Vậy, bước sang thập kỷ mới, trước mắt là năm 2020, triển vọng các ngân hàng sẽ như thế nào?
Nhân dịp đầu năm Canh Tý, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng để phác hoạ vài nét dự báo cho năm nay.
PV: Thưa ông, ông dự báo tỷ giá năm 2020 sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng năm 2020 sẽ có nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới với mức độ không khác năm 2019, từ biến động tại Trung Đông, cuộc bầu cử ở Mỹ và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ngoài ra còn có biến động hiện tại Nam Mỹ, Venezuela,…
Trong đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng. Họ đã ký với nhau một thoả thuận giai đoạn 1, nhưng việc thực hiện giai đoạn đầu và tiến đến giai đoạn 2 còn rất xa, nhất là năm nay là năm tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Điều này sẽ tác động tới cả nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, từ đó, ảnh hưởng tương quan giữa đồng Nhân dân tệ và đồng đô la. Nếu đồng Nhân dân tệ có biến động thì tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Năm 2020, với nhiều căng thẳng như vậy, tiền đồng Việt Nam có thể mất giá từ 1-2%.
Việc Việt Nam nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ sẽ có tác động thế nào đến tỷ giá?
Đây không phải là điều đáng lo cho Việt Nam. Quy mô xuất siêu của Việt Nam so với các nước khác là rất nhỏ. Mặc dù Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có xuất siêu vào Mỹ nhưng lượng xuất siêu rất nhỏ, chỉ khoảng 47 tỷ USD năm vừa rồi.
Việc đưa vào danh sách giảm sát tiền tệ dường như mang tính chính trị hơn là thương mại. Có 3 tiêu chí để đánh giá thao túng tiền tệ thì Việt Nam chỉ đạt tiêu chí thặng dư thương mại trên 20 tỷ. Thứ hai, tiêu chí về thặng dư cán cân vãng lai trên 20% GDP, Việt Nam chưa đạt. Tiêu chí thứ 3 là mua ròng ngoại tệ trong vòng 6 tháng, trên 2% GPD cũng chưa đạt.
Ngay cả Trung Quốc, Mỹ cũng đã rút ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ thì Việt Nam bị đưa vào là chuyện khó xảy ra.
Chúng ta vẫn có thể phá giá đồng tiền Việt Nam trong biên độ 1-2% mà không lo ngại bị xem là các nước thao túng tiền tệ, dùng tỷ giá để thao túng thương mại với Mỹ.
Vậy còn lãi suất, Việt Nam có cơ hội hạ lãi suất trong năm nay không?
Đây sẽ là năm mà nhiều ngân hàng gặp áp lực về chi phí vốn. Rất khó để giảm lãi suất.
Mặc dù Chính phủ muốn, Ngân hàng Nhà nước muốn và có thể sẽ giảm lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho lãi suất trên thị trường 1. Tuy nhiên, giữa thị trường 1 và thị trường 2 không có sự gắn kết chặt chẽ về lãi suất, do đó NHNN có thể giảm lãi suất điều hành nhưng không tác động nhiều được tới lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1.
Thứ 2, năm nay là năm áp dụng Thông tư 41, buộc các ngân hàng phải tăng vốn. Các quy định bao gồm về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 40% xuống còn 30% trong 3 năm cũng sẽ làm cho các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung và dài hạn và họ có thể tăng lãi suất kỳ hạn dài để thu hút vốn. Hệ số rủi ro một số món vay cũng tăng lên, khiến chi phí vốn tăng lên.
Định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay của NHNN là dưới 14%. Ông nhận định thế nào về mức dự kiến này?
Tôi cho rằng mức tăng trưởng tín dụng trên là phù hợp, vì để tín dụng tăng mạnh sẽ dễ dàng tạo ra bong bóng, đặc biệt là trên thị trường bất động sản. Do vậy, siết tín dụng ở mức đó là hợp lý và mặc dù gây ra một số khó khăn cho thị trường BĐS nhưng tạo tiền đề cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng?
Ngành ngân hàng ngày đang ngày càng được củng cố lành mạnh, hoạt động chuẩn mực, có các sản phẩm mới, nhu cầu vay vốn cao, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân ngày càng nhiều. Bởi vậy, các nhà băng có nhiều thuận lợi về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn còn một số ngân hàng yếu kém cần phải xử lý. Những ngân hàng này đang tạo ra những chi phí lớn cho cả hệ thống, từ việc họ vẫn còn phải xử lý những khoản nợ xấu, tài sản không sinh lời của họ,…Những ngân hàng yếu kém không chỉ có 3 ngân hàng "0 đồng" mà bên cạnh còn nhiều ngân hàng nữa, trở thành gánh nặng cho cả ngành và của Ngân hàng Nhà nước.
Xin cảm ơn ông, chúc ông năm mới nhiều thành công!