MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới bác sĩ đau đầu vì hiện tượng "cực kỳ hiếm gặp" nhưng xuất hiện ngày càng nhiều trên bệnh nhân COVID-19

23-04-2020 - 08:37 AM | Sống

"Đây là một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất về dịch bệnh," Tiến sĩ Michelle Gong - trưởng khoa điều trị tích cực tại Trung tâm y tế Montefiore, New York - cho biết.

Hiện tượng hiếm gặp

Bệnh nhân COVID-19 của tiến sĩ Kathryn Hibbert đang có tình trạng sức khỏe xấu. Khi huyết áp của bệnh nhân giảm mạnh, tiến sĩ Hibbert cố chèn một đường truyền tĩnh mạch vào động mạch ở cổ tay bệnh nhân. Tuy nhiên, một cục máu đông đã làm nghẽn ống truyền.

Bác sĩ Hibbert thử dùng một ống khác và ống này tiếp tục bị nghẽn. Tới lần thử thứ ba, bà mới thành công.

"Hiện tượng máu đông xảy ra ngay trước mặt tôi. Gặp một lần đã là hiếm, và gặp hai lần liên tiếp là cực kỳ hiếm," tiến sĩ Hibbert nói. Hiện bà Hibbert đang là trưởng khoa điều trị tích cực (ICU) tại bệnh viện Massachusetts.

Hibbert và các bác sĩ khác đã phát hiện một số bệnh nhân nhiễm virus corona có những cục máu đông. Hiện tượng này có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu máu đông đi vào tim hoặc phổi.

"Số lượng bệnh nhân COVID-19 có máu đông tôi thấy ở ICU là nhiều chưa từng có. Vấn đề máu đông dường như khá phổ biến ở các bệnh nhân nguy kịch vì virus corona," Tiến sĩ huyết học Jeffrey Laurence tại thành phố New York cho biết.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tuần trước, Laurence và các đồng nghiệp cho biết đã khám nghiệm thi thể của 2 bệnh nhân COVID-19 và phát hiện máu đông trong phổi, ngay bên dưới bề mặt da. Họ cũng tìm thấy các cục máu đông ở dưới da của 3 bệnh nhân đang được điều trị khác.

Tại Hà Lan, một nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ xuất hiện máu đông "cao bất thường" ở các bệnh nhân COVID-19 tại ICU.

Một nhóm các chuyên gia thế giới từ hơn 30 bệnh viện mới đây đã đưa ra một kết luận tương tự: dù chưa rõ nguyên nhân tại sao, nhưng bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch thường có nguy cơ xuất hiện máu đông.

"Đây là một trong những vấn đề được bàn luận nhiều nhất về dịch bệnh," Tiến sĩ Michelle Gong - trưởng khoa điều trị tích cực tại Trung tâm y tế Montefiore, thành phố New York - cho biết.

Tại Montefiore, các bác sĩ đã bắt đầu cho bệnh nhân COVID-19 sử dụng thuốc chống đông máu để ngăn chặn máu đông. Không phải tất cả các bệnh viện đều thực hiện việc này, nhưng nhiều bác sĩ cũng bắt đầu quan tâm tới hiện tượng máu đông.

Tiến sĩ Todd Rice - phó giáo sư y khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Nashville - nói: "Đó là điều bất thường, và chúng tôi đang phân vân không biết liệu có phải đông máu là một trong những lí do gây tử vong ở bệnh nhân hay không".

Khó khăn trong điều trị

Mặc dù sử dụng liều thấp các loại thuốc chống đông máu có thể giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ, nhưng không có nghĩa rằng chúng có thể ngăn hoàn toàn khả năng bị đông máu. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc chống đông máu liều cao, bệnh nhân có thể bị chảy máu không ngừng và cũng gây ra tử vong.

Vấn đề này đã trở thành câu hỏi hóc búa đối với các bác sĩ. Một số bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc chống đông máu liều cao khi các bài xét nghiệm máu cho thấy họ có nguy cơ cao bị đông máu.

Các bác sĩ tại Harvard đang đề xuất nghiên cứu trên quy mô lớn về việc sử dụng thuốc chống đông máu ở các bệnh nhân COVID-19.

Chuyên gia huyết học Laurence nói ông muốn tìm hiểu nguyên nhân căn bản của hiện tượng này.

"Chúng tôi muốn ngăn chặn tác nhân gây đông máu. Nhiều bệnh nhân đang bị đông máu quá mức và chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này".

Tiến sĩ Hibbert cho biết bà vẫn đang chờ đợi ngày có nghiên cứu chứng minh tại sao bệnh nhân COVID-19 lại có hiện tượng bị đông máu, và giải pháp cho tình trạng này là gì.

"Đây là một trong những thách thức trong việc điều trị cho bệnh nhân nguy kịch. Chúng tôi phải cố gắng quyết định xem liệu đây có phải tình trạng hiếm gặp hay là một xu hướng thường thấy và cần phải thay đổi cách điều trị trên quy mô lớn," bà nói.

Theo Tất Đạt

Tổ quốc

Trở lên trên