Giới trẻ ai cũng thấy mình bị trầm cảm, nghe bác sĩ lý giải nhiều người gật gù, thấy mình trong đó
Câu cửa miệng của Gen Z thời nay là "tôi đang bị trầm cảm", cần được "chữa lành".
- 05-03-20244 nhóm người dễ bị bệnh trầm cảm nhất, có 6 dấu hiệu này cần thăm khám ngay
- 04-03-20243 kiểu gia đình này rất dễ nuôi dạy nên những đứa trẻ bị trầm cảm: Hy vọng bạn không nằm trong số đó!
- 25-02-2024Con nhà giàu và con nhà nghèo, ai dễ trầm cảm hơn? Câu trả lời của Tiến sĩ khiến hàng ngàn phụ huynh không tin nổi
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khoẻ tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt - con số này thấp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó. Tất cả các nhóm thế hệ trước đều có kết quả tốt hơn với thống kê này, bao gồm millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%). Điều này cho thấy sức khỏe tinh thần trở thành vấn đề đáng lo ngại đối với giới trẻ hiện nay.
Theo ThS. BSNT Đỗ Trọng Thiện, Khoa Tâm Lý & Sức Khỏe Tâm Thần, BV Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh, khi tình trạng sức khỏe tâm thần ngày càng được quan tâm thì việc các bạn trẻ Gen Z sớm nhận ra các khó khăn tâm lý của mình và những người xung quanh là điều đương nhiên.
Điều này cũng phần nào khiến cho tỉ lệ mắc bệnh tâm lý của giới trẻ tăng cao đột biến. Có nhiều nguyên nhân lý giải vấn đền tại sao thế hệ trẻ ngày ngày dễ mắc bệnh tâm lý hơn so với thế hệ trước, đó là:
- Áp lực xã hội: Với một xã hội đã và đang phát triển như hiện nay, Gen Z hiện tại phải đối mặt với nhiều thứ hơn thế hệ trước. Đó là các áp lực và yêu cầu lớn từ xã hội xoay quanh: công việc, học tập, mối quan hệ, sự nghiệp, gia đình... - ngay từ khi còn trẻ.
- Thách thức từ thế giới phẳng: Sự phát triển từ công nghệ hiện đại với vô vàn mạng xã hội đã tạo ra các hình ảnh và chuẩn mực hoàn hảo đến mức phi thực tế. Điều này đã khiến cho các bạn GenZ không ngừng so sánh, tạo áp lực lên chính mình và gây ra các cảm giác bất an, thiếu tự tin.
- Thiếu kết nối thực tế: Xu hướng giao tiếp qua mạng nhiều hơn từ điện thoại thông minh, máy tính... cũng khiến các bạn trẻ ngày càng ít tiếp xúc ở thế giới thật. Giới trẻ càng cô đơn, càng ít tiếp xúc thực tế, vấn đề rối loạn cảm xúc diễn ra ngày càng nhiều. Việc mất cân bằng với quá trình tương tác xã hội, giao tiếp trực tiếp và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh làm tăng nguy cơ gây ra cảm giác cô đơn, tách biệt.
Câu cửa miệng "tôi đang bị trầm cảm"
Tuy nhiên, ThS. Thiện cũng lưu ý rằng, có thể bạn đang lầm tưởng giữa bệnh tâm lý và cảm xúc của bản thân. Cũng có nhiều trường hợp các bạn trẻ bị lầm tưởng giữa bệnh tâm lý và cảm xúc kéo dài. Điều này không hề hiếm thấy nên bạn cần tham vấn kỹ càng trước khi xác định rằng bản thân mắc bệnh tâm lý.
Cảm xúc là phản ứng tâm lý tự nhiên của con người trước các tình huống. Các cảm xúc buồn chán, lo lắng, thất vọng... sẽ bình thường về mặt sinh lý, nếu như chúng xảy ra đúng hoàn cảnh với mức độ vừa phải. Tuy nhiên, trong trường hợp các cảm xúc đó trở nên dai dẳng, kéo dài quá mức, không thể tự hồi phục; hoặc chúng trở nên khó kiềm chế, kiểm soát và ảnh hưởng đến cuộc sống; thì sẽ trở thành rối loạn tâm lý và sức khỏe tâm thần.
Sẽ có những trường hợp các bạn trẻ bị lầm tưởng giữa bệnh tâm lý và cảm xúc tiêu cực, nhưng cũng có trường hợp các bạn nhận định đúng về các vấn đề tâm lý. Vì thế, bạn cần theo dõi kỹ các biểu hiện sức khỏe tâm thần của bản thân và đi khám chuyên khoa sớm. Điều này giúp các bạn trẻ có câu trả lời đúng nhất về tình trạng mà bản thân đang mắc phải.
"Tôi nhận thấy có nhiều từ ngữ, thuật ngữ có tính khoa học, nhưng lại không hề sai khi sử dụng thường xuyên trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, khi những người bạn nói chuyện với nhau: “Bạn ơi, hôm nay tớ trầm cảm quá!” thì ý nghĩa câu nói, sẽ tương đương với một tính từ mang cảm giác buồn chán, mệt mỏi, mất hứng thú. Hoặc “Sao hôm nay trông cậu tự kỉ thế!” thì nó tương đương với ý nghĩa là ngồi một mình và không nói chuyện giao tiếp với ai. Cụ thể trong các trường hợp này, dùng từ "trầm cảm" với ý nghĩa một tính từ - là điều bình thường và không sai.
Tuy nhiên, mọi người cần cẩn trọng hơn nếu như kết luận/khẳng định về một cá nhân có mắc trầm cảm hay không. Bởi rối loạn phổ tự kỉ và rối loạn trầm cảm là những bệnh lý, rối loạn thực sự về sức khỏe tâm thần, được quy định mã hóa trong các bảng phân loại bệnh tật trên thế giới, và có phác đồ điều trị đầy đủ, cụ thể. Do vậy, nếu muốn biết một người có mắc trầm cảm hay không (hoặc bất kỳ bệnh lý, rối loạn tâm thần nào khác) thì cần có ý kiến khám chẩn đoán của bác sĩ - dành cho mỗi trường hợp cụ thể.
Dấu hiệu của bệnh tâm lý thực sự và cách để phòng tránh
Có nhiều dấu hiệu để chẩn đoán mắc bệnh tâm lý nhưng các bạn trẻ cần phải xác định rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng cảm xúc mà bản thân gặp phải, rồi từ đó mới tự đưa ra cho mình câu trả lời.
ThS. Thiện liệt kê các dấu hiệu phổ biến của bệnh tâm lý:
1. Cảm giác buồn bã, chán nản, suy nghĩ bi quan, tiêu cực, thất vọng kéo dài.
2. Mất hứng thú dần, không thấy niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống.
3. Lo lắng, căng thẳng quá mức, thường xuyên cảm thấy hồi hộp, bồn chồn, khó chịu trong cơ thể nhưng khám bệnh cơ thể không tìm thấy nguyên nhân.
4. Dễ nóng giận, dễ cáu gắt, khó kiềm chế cảm xúc của mình.
5. Thói quen ăn uống và giấc ngủ thay đổi thất thường: ăn quá mức, thèm ăn hoặc chán ăn, ăn không ngon miệng.
6. Mất tập trung chú ý, hay lơ đãng, hay quên, giảm chất lượng học tập, công việc; đảo lộn hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân.
7. Cảm giác sợ hãi, nghi ngờ vô cớ, nhìn thấy, nghe thấy hoặc liên tưởng suy nghĩ nội dung kì lạ, khác thường.
Các dấu hiệu trên cần phải kéo dài trên 2 tuần hoặc lâu hơn mốc thời gian này. Nếu như gặp nhiều các dấu hiệu tâm lý kể trên, bạn nên đi khám tâm lý để có thể chẩn đoán đúng tình trạng mà bạn đang gặp phải.
Để tránh rơi vào tình trạng "trầm cảm xu hướng", ThS. Thiện cho rằng mọi người không nên sớm kết luận, dán nhãn một người nào đó mắc bệnh trầm cảm. Không nên coi nhẹ, hiểu lầm hay ngộ nhận, phủ nhận khi sử dụng cụm từ "trầm cảm". Bệnh lý này là rối loạn sức khỏe tinh thần nghiêm trọng hơn những gì mọi người đang tưởng tượng.
Nếu thấy bất kỳ vấn đề bất thường về tâm lý, mọi người nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất. Song song với việc đó, xã hội cần nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội, đặc biệt là giới trẻ, về các rối loạn, rối nhiễu về tâm lý và các bệnh lý thuộc về sức khỏe tâm thần. Ở đây có vai trò và ý nghĩa rất to lớn của các kênh phương tiện, thông tin truyền thông chính thống.
Phụ nữ mới