MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ muối để làm gì?

10-02-2017 - 08:05 AM | Thị trường

Mặc dù các ngành chức năng đã đề ra rất nhiều giải pháp để giải cứu muối tồn kho trong diêm dân nhưng hầu như vẫn chưa có tác dụng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2016, sản lượng muối cả nước tiếp tục đạt cao với hơn 1,32 triệu tấn. Trong đó, muối sản xuất thủ công 947.867 tấn, muối sản xuất công nghiệp 378.745 tấn. Do 2 năm liên tiếp được mùa (năm 2015 và 2016) nên lượng muối tồn trong diêm dân và doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến vào khoảng gần 542.000 tấn.

Khóc ròng trên vựa muối

Ghi nhận của phóng viên tại 2 địa phương sản xuất muối lớn nhất ĐBSCL là Bạc Liêu và Bến Tre tính đến thời điểm này, tồn đọng gần 150.000 tấn muối. Trong đó, lượng muối tồn kho của diêm dân Bạc Liêu là 89.000 tấn và Bến Tre là 60.000 tấn. Nhiều tháng qua, giá muối xuống thấp và không nơi tiêu thụ đã đẩy diêm dân vào cảnh trắng tay, không lối thoát… Hiện giá muối đen chỉ còn 300 - 400 đồng/kg, muối trắng từ 600 - 800 đồng/kg.


Sản xuất muối đen đã lạc hậu nên diêm dân cần được hỗ trợ chuyển đổi sản xuất Ảnh: DUY NHÂN
Du

Sản xuất muối đen đã lạc hậu nên diêm dân cần được hỗ trợ chuyển đổi sản xuất Ảnh: DUY NHÂN

Du

Ông Trương Văn Dũng (ngụ ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông hải, tỉnh Bạc Liêu), có 12 ha đất sản xuất muối đen, cho biết: “Với giá muối hiện tại, tôi bán hết cũng chỉ đủ trả tiền nhân công. Nhiều người khó khăn buộc phải bán tháo nhưng càng muốn bán thì thương lái lại được nước mà ép giá. Nghe Chính phủ tổ chức chương trình thu mua muối tồn kho của diêm dân, tưởng đâu được cứu nhưng nào ngờ công ty không mua muối đen. Trong khi muối tồn chủ yếu là muối đen, còn muối trắng thì vẫn tiêu thụ bình thường mà không cần chính sách thu mua”.

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, lượng muối tồn đọng trong dân hơn 89.000 tấn, chủ yếu là muối đen, tập trung ở 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình. Do không bán được nên lượng muối bảo quản bị hao hụt khá lớn.

Phải mạnh dạn chuyển đổi

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, năm nay, Bạc Liêu còn 2.300 ha đất sản xuất muối, giảm khoảng 200 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh quy hoạch vào năm 2030, diện tích đất làm muối của tỉnh chỉ còn 1.500 ha. Diện tích này được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. “Chúng tôi khuyến khích diêm dân sản xuất muối đen kém hiệu quả chuyển đổi sang sản xuất muối trắng, muối trải bạt hoặc nuôi artemia (dùng làm thức ăn cho tôm) hay nuôi trồng các loại thủy sản khác trên đất muối để tăng thu nhập…” - ông Lân nói.

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kêu gọi các DN trong và ngoài tỉnh đầu tư mô hình sản xuất muối trải bạt cho diêm dân; mở lớp tập huấn hướng dẫn nuôi trồng kết hợp trên đất muối giúp diêm dân nâng cao thu nhập. “Trước tình hình muối đen tiêu thụ khó khăn, huyện vận động diêm dân chuyển đổi diện tích sản xuất muối đen kém hiệu quả sang nuôi artemia. Vụ muối 2016-2017, đã có khoảng 60 ha đất làm muối của diêm dân thử nghiệm nuôi artemia. Ngoài ra, bà con có thể nuôi các loại thủy sản như tôm quảng canh, cá kèo trên đất muối…” - ông Túy nêu giải pháp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết khi mô hình sản xuất không hiệu quả trong thời gian dài thì cần phải mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. “Nhiều năm rồi, điệp khúc hạt muối rớt giá, bí đầu ra cứ lặp đi lặp lại đủ để khẳng định mô hình sản xuất muối đen của diêm dân không hiệu quả. Khi mô hình sản xuất không mang lại hiệu quả kinh tế thì không nên giữ làm gì. Điều kiện đất đai và môi trường ở khu vực ruộng muối ven biển thích hợp để nuôi artemia. Nhiều nơi có điều kiện tương tự đã thành công với mô hình này” - ông Khái chia sẻ.

Trong khi đó, tại công văn gửi UBND tỉnh, TP có sản xuất muối về việc chỉ đạo sản xuất muối niên vụ 2017, Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo rà soát lại thực trạng quy hoạch sản xuất muối tại địa phương theo hướng tập trung vào những vùng có lợi thế và chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy, hải sản và ngành nghề nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cho người dân làm muối; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng muối, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Indonesia cần 1,4 triệu tấn muối

Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia (Bộ Công Thương), chính phủ Indonesia vừa cho phép nhập khẩu 1,4 triệu tấn muối trong năm 2017 do sản lượng muối nước này không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Nguyên nhân chính do lượng mưa lớn trong thời gian vừa qua đã gây ảnh hưởng nặng nề tới việc sản xuất và thu hoạch muối của nước này.

Theo tính toán, hiện dự trữ muối của Indonesia chỉ đạt 110.000 tấn, trong khi nhu cầu muối của thị trường trong 6 tháng đầu năm là 700.000 tấn. Do đó, Bộ Biển và Nghề cá (KKP) cùng Tổng cục Thống kê của Indonesia (BPS) đã kiến nghị Chính phủ Indonesia nhập khẩu 1,4 triệu tấn muối trong năm nay. Trong đó, quý I sẽ nhập 226.124 tấn muối. Công ty GARAM (Persero) được chỉ định độc quyền nhập khẩu muối đang xin cấp giấy phép và sẽ tiến hành nhập khẩu trước tháng 5-2017. Tuy chưa thông báo sẽ nhập khẩu từ nước nào nhưng Công ty GARAM cũng cho biết sẽ lựa chọn trên cơ sở mức giá thấp nhất. KKP cũng kiến nghị chính phủ và Bộ Thương mại Indonesia tạm thời chưa cấp phép nhập khẩu muối trong quá trình thu hoạch muối vào tháng 3 năm nay.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đánh giá đây là cơ hội tốt để các DN xuất khẩu muối Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường sang Indonesia. Do đó, cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi thông tin và thông báo để các DN trong nước có thể tham khảo, sử dụng. Tuy nhiên, ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN-PTNT, nhận định: “Chắc sẽ khó có cơ hội vì chất lượng muối của chúng ta không cao”.

Theo Duy Nhân - Nguyễn Thế

Người lao động

Trở lên trên