Giữa đại dịch, doanh nghiệp thực sự cần gì?
Doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành nghề gặp khó vì dịch bệnh liên tiếp lên tiếng “cầu cứu” Chính phủ. Dù các bộ ngành đã tung hàng loạt giải pháp đồng bộ nhưng dường như chính sách vẫn chưa thấm kịp. Để có giải pháp căn cơ hỗ trợ họ, các chuyên gia cho rằng, phải cấp thiết xóa tình trạng địa phương mỗi nơi làm một kiểu, chính sách cần thiết thực, hiệu quả...
- 14-08-2021Gánh trọng trách giữ vững chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19, các DN logistics như Giao Hàng Nhanh làm cách nào để duy trì vận hành và bảo vệ shipper?
- 13-08-2021Doanh nghiệp Việt giao dịch thông suốt với hợp đồng số, hóa đơn điện tử ngay trong giãn cách
- 12-08-2021Hàng không lại 'cầu cứu' vì Hà Nội chống dịch '3 tại chỗ' với cả nhân viên sân bay
Đừng để mỗi nơi một kiểu
Dịch COVID-19 bùng phát lần 4, kéo dài 3 tháng qua gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều DN, hiệp hội ngành nghề phải lên tiếng “cầu cứu” Chính phủ. Gần đây nhất, việc lưu thông hàng hoá khó khăn khiến DN vận tải cả nước lao đao.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, định nghĩa "hàng hóa thiết yếu" đã và đang gây khó khăn cho các DN vận tải khi lưu thông qua chốt kiểm dịch. “Các đơn vị tại những chốt kiểm dịch chỉ nghe chỉ đạo của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có một hướng dẫn khác nhau…” ,ông Quyền nói.
Về việc thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, nhiều DN phản ánh bất cập, không thể kéo dài do DN phải gồng gánh quá nhiều khoản phí để đảm bảo chuỗi sản xuất, thực hiện quy định chống dịch tại nhà máy. Trước tình trạng này, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cơ quan quản lý cần bàn bạc DN liên kết, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục hoạt động, bảo vệ được người lao động.
Theo đó, các DN vận tải đề nghị Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông, thay vì ban hành danh mục hàng hóa được phép ưu tiên như hiện nay. Ngoài ra, việc khai báo y tế cần có sự chỉ đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, ứng dụng công nghệ để hoàn thành nhanh hơn. "Nếu việc khai báo chưa ứng dụng được công nghệ, thì phải có một văn bản nhất quán. Theo quy định hiện hành, các lái xe phải có giấy xét nghiệm COVID-19 (như giấy thông hành) và cứ 3 ngày phải xét nghiệm (test) 1 lần. Thế nhưng tại địa điểm test rất đông người, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chúng ta muốn bảo vệ người lái xe nhưng lại đẩy họ vào chỗ có nguy cơ lây nhiễm cao. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi rất mong muốn được Chính phủ cho phép mua các bộ test COVID-19 nhanh”, ông Quyền đề xuất.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, vừa qua, một số địa phương lo không đúng kiểu, chặn vận tải, ảnh hưởng đến lưu thông trong nền kinh tế. “Nguyên tắc đã được lãnh đạo Chính phủ định hướng rõ: Lưu thông từ đầu đến cuối. Theo đó, việc kiểm tra cần phối hợp giữa Trung ương với địa phương, đừng “dồn” các tỉnh vừa lo chống dịch, vừa lo đảm bảo lưu thông hàng hoá. Các tuyến lưu thông quốc gia phải rõ ràng, tổ chức phòng chống dịch ở cơ sở, địa phương cần thống nhất với nhau”, ông Thiên phân tích.
Hỗ trợ phải thực chất
Tuần qua, có hiện tượng lạ nổi lên là một DN chế biến thủy sản phía Nam có văn bản từ chối việc được ngân hàng hạ lãi suất khoản vay trong ngắn hạn. Lý do DN này đưa ra là mức hạ thấp, thời gian ngắn trong khi hồ sơ thủ tục phức tạp. DN đang bận lo sản xuất, không tiện bố trí đi lại nên xin không nhận khoản lợi do ngân hàng hạ lãi suất. Đây là hiện tượng hi hữu.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết, ngoài khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất trước quy định phòng dịch, các DNNVV gặp khó khăn lớn về vốn. “Doanh thu của DN giảm, các khoản nợ cũ nên được khoanh lại, cho nộp sau và không tính lãi phần nộp chậm. Các loại thuế, phí, Bộ Tài chính có nêu sẽ đề xuất giảm cho DN nhưng lần này hy vọng làm quyết liệt. Chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có chỉ đạo rà soát những khó khăn của DN, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với cả doanh nghiệp thuộc ngành du lịch, khách sạn, vận tải…”, ông Quốc Anh nói.
Hiệp hội nhiều ngành hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét tăng hạn mức tín dụng cho DN do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều tăng, khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo cho nhập hàng.
Về hỗ trợ cho DN thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất. Theo đó, cần có mức giảm cụ thể để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết. Từ khi dịch bùng phát đến nay, theo thống kê sơ bộ, các DN đã được giảm tổng cộng 18.830 tỷ đồng lãi vay cả cũ và mới. Ngoài ra, sau 2 tuần hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) làm nguồn vốn cho vay, đến nay, 150 tỷ đồng đã được giải ngân.
Ông Trần Đình Thiên đánh giá, các chỉ đạo của Chính phủ vừa qua đúng hướng, đảm bảo lưu thông kinh tế, thể hiện quyết tâm sớm mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để làm được điều nay, Chính phủ phải giải quyết nhiều vấn đề, không để các biện pháp hành chính rối rắm làm “loạn” chỉ đạo. Theo ông Thiên, Việt Nam cần có cách tiếp cận, nhìn nhận về dịch bệnh khoa học, phù hợp với thế giới. “Số người đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 tăng dần, việc đi lại không thể quản lý như hiện nay. Tiêm càng nhiều, lưu thông xã hội càng nhiều, bài toán đặt ra là làm sao mở cửa được nền kinh tế sớm nhất. Việc xác nhận thủ tục cần tích cực hơn, như hiện nay vẫn còn chậm”, ông Thiên nói.
Tiền phong