Gỡ khó cho doanh nghiệp FDI
TP HCM mong muốn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào công tác chống dịch Covid-19 và TP HCM sẽ tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp để cùng vượt khó
- 11-08-2021Gần 200 doanh nghiệp FDI tham gia hội nghị đối thoại tại Bắc Ninh
- 09-08-2021Xếp hạng lương lao động theo loại hình doanh nghiệp: Thu nhập tại doanh nghiệp FDI chưa phải cao nhất?
- 18-07-2021Dịch vừa lắng, Bắc Ninh đối thoại với doanh nghiệp FDI
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo các sở, ngành đã tham dự hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và đại diện các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), diễn ra ngày 20-8.
Phải giữ được chuỗi cung ứng cho sản xuất
Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhìn nhận thành phố đang ở trong giai đoạn rất khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Là đô thị đặc biệt, dân số đông nên dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Theo ước tính ban đầu của Tổng cục Thống kê vào đầu tháng 8, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP HCM năm 2021 có khả năng âm thay vì dương như năm 2020, rất nhiều chỉ tiêu kế hoạch khác của năm nay cũng khó đạt. Hoạt động của các DN, trong đó các DN FDI gặp nhiều khó khăn, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm…
"Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa là rất lớn, nếu không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời. Những tác động chưa có tiền lệ của dịch bệnh đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Vì vậy, lãnh đạo thành phố quyết định tổ chức hội nghị đối thoại ở thời điểm này để lắng nghe ý kiến nhằm tháo gỡ vướng mắc và cùng ứng phó dịch bệnh" - ông Võ Văn Hoan nói.
Hệ thống siêu thị AEON bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong thời gian TP HCM giãn cách xã hội Ảnh: THANH NHÂN
Ông Lê Hữu Bình, Giám đốc Tài chính cấp cao, Công ty Jabill Việt Nam, cho hay DN đang thực hiện phương án "2 địa điểm 1 cung đường" cho khoảng 30% lao động (2.500 người), chi phí phát sinh khoảng 120 tỉ đồng/tháng cho tiền khách sạn, xét nghiệm định kỳ, thuê xe, trợ cấp người lao động… Chi phí này vượt quá khả năng chịu đựng của DN nếu kéo dài.
"Chúng tôi không thể giao hàng đúng hạn cho khách hàng theo hợp đồng, làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số khách hàng đã, đang chuyển hợp đồng sang các nước khác như Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc… Giá trị hợp đồng của công ty đã mất khoảng 200 triệu USD, rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam" - ông Lê Hữu Bình lo ngại.
Đại diện Jabill Việt Nam kiến nghị cần có quy định cụ thể và mang tính chất khả thi cho DN có thể xác định và triển khai mô hình sản xuất theo phương châm "4 xanh" (gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh) như công văn mới đây của UBND thành phố. Đồng thời, kiến nghị thêm mô hình sản xuất an toàn chống dịch là DN tổ chức đưa đón người lao động tận nhà và trong nhà máy bảo đảm 5K cùng cam kết phòng dịch của cán bộ nhân viên. Mô hình này được thực hiện bởi công ty cùng tập đoàn tại Malaysia đã phát huy hiệu quả cao trong việc duy trì sản xuất an toàn, ổn định.
Lãnh đạo Công ty Datalogic Việt Nam thông tin, công ty chỉ còn 502 người lao động đang làm việc theo mô hình "3 tại chỗ" và "2 địa điểm, 1 cung đường", thay vì hơn 800 lao động trước đó. Doanh số sụt giảm, công ty bị thiếu hụt lao động. Do đó, công ty kiến nghị thành phố có giải pháp để chuỗi cung ứng nội địa không bị phá vỡ, bởi nếu cứ giãn cách xã hội kéo dài thì các nhà cung ứng nguyên vật liệu không thể đáp ứng, không bảo đảm hoạt động sản xuất.
Theo đại diện Công ty Intel Việt Nam, công ty hiện chiếm tới 64% giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TP HCM trong nửa đầu năm nay. Dù vậy, chi phí cho phương án triển khai "3 tại chỗ" hoặc "2 địa điểm, 1 cung đường" thời gian qua là rất lớn khi công ty đang có khoảng 1.800 người lao động phải lưu trú tại các khách sạn hoặc ở tại chỗ trong nhà máy.
Kiến nghị nhiều chính sách
Để góp phần thực hiện mục tiêu kép "duy trì, phát triển kinh tế - xã hội và chống dịch hiệu quả", ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, kiến nghị kéo giãn thời gian nộp thuế GTGT, BHXH và BHYT. Lộ trình có thể xem xét lùi thời hạn nộp từ 3-6 tháng và áp dụng trong 6 tháng trở lên để giúp các DN có đủ nguồn lực hỗ trợ tài chính tạm thời cho nhân viên, duy trì sản xuất - kinh doanh trong thời gian dịch bệnh.
"Với yêu cầu hiện tại như xét nghiệm 3 ngày/lần, 1 tháng khoảng 10 lần với chi phí lên tới 1,5-3 triệu đồng/nhân viên, các DN đang phải trả khoản chi phí rất lớn cho việc này. Kiến nghị các cơ quan và đơn vị y tế giảm giá dịch vụ xét nghiệm cho nhân viên, qua đó giảm áp lực chi phí cho DN" - ông Furusawa Yasuyuki đề xuất.
Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) kiến nghị giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN và giảm giá các dịch vụ trọng yếu khác; giảm lãi suất cho vay là những vấn đề cần được xem xét áp dụng cho DN nhỏ và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.
Lắng nghe, ghi nhận và chia sẻ ý kiến của các hiệp hội, DN tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN để cùng vượt qua, trong bối cảnh TP HCM đã bước sang ngày thứ 42 giãn cách xã hội. Đối với các kiến nghị vượt thẩm quyền của thành phố, lãnh đạo thành phố yêu cầu sở, ngành liên quan tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, thành phố đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN trong nước cũng như DN FDI trên cơ sở ghi nhận, tiếp thu đề xuất. Đồng thời, thành phố khuyến khích các hiệp hội, DN đề xuất những mô hình sản xuất an toàn và vẫn bảo đảm chống dịch.
"Chính quyền thành phố thấu hiểu việc giãn cách sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN cũng như môi trường đầu tư. Tuy nhiên, vì sự an toàn của cộng đồng, vì sức khỏe của người dân nên thành phố buộc phải làm, rất mong các DN chia sẻ" - ông Nguyễn Thành Phong bày tỏ.
Người lao động