Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải: “Tiến thoái lưỡng nan”
Từ nhiều tháng nay, vận tải hành khách đa số thua lỗ nên áp lực rất lớn trong khi phương án tăng giá vé để bù đắp thua lỗ không khả thi vì khách đi lại rất hạn chế. (Công ty cổ phần dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) hiện chỉ có 25% xe hoạt động cầm chừng. Ảnh: Trung Thành)
Ông Đặng Thế Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cho rằng: giá xăng dầu và các loại phí đã khiến doanh nghiệp vận tải tiến thoái lưỡng nan.
- 14-05-2022Thủ tướng thúc đẩy dự án dầu khí hợp tác với tập đoàn lớn của Hoa Kỳ
- 14-05-2022SEA Games 31 - cơ hội “vàng” để du lịch bứt tốc
- 13-05-2022Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành
LTS: Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn do giá xăng dầu tăng.
Hầu hết các ngành đã ổn định trở lại để đi vào hoạt động, sản xuất thì ngành vận tải thì vẫn đang chìm trong những khó khăn khi mà giá nhiên liệu thế giới có nhiều biến động dẫn đến giá tăng cao. Tác động tiêu cực ấy thể hiện rất rõ tại Hải Phòng - trung tâm logistic lớn nhất của miền Bắc...
- Ngoài việc giá nhiên liệu tăng, còn những khó khăn gì khác đang “níu chân” ngành vận tải, thưa ông?
Mức tăng của giá xăng dầu hiện nay sẽ là gánh nặng thêm vào chi phí vận tải nội địa, hay vào các cước vận chuyển quốc tế thông qua các phụ phí xăng dầu. Việc này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các doanh nghiệp logistics và cụ thể là chi phí sẽ tăng, gánh nặng sẽ đặt lên vai các công ty xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế.
Ngoài giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải cũng vẫn đang phải chịu sức ép về phí bảo trì đường bộ và các phí BOT… trong khi hàng hóa vận chuyển rất ít, đặc biệt tuyến vận tải đi biên giới Trung Quốc gần như dừng hẳn. Với các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa phải chịu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển…
Đặc biệt, dù Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ tiếp cận được với chính sách giảm phí bảo trì đường bộ. Các chính sách hỗ trợ có tác động lớn đến doanh nghiệp như vốn, giảm thuế, phí, lãi vay ngân hàng vẫn chưa đến được với họ.
Nguyên nhân do các thủ tục để được nhận hỗ trợ phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm quy mô kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã giải thể, phá sản.
- Vậy các doanh nghiệp đã có giải pháp nào tháo gỡ những khó khăn đã và đang hiện hữu, thưa ông?
Hiện nay bản thân các doanh nghiệp vận tải phải nỗ lực và có những bước “chuyển mình” về chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải những ngày qua đã dốc toàn bộ vốn liếng tích cóp và vay mượn lâu nay đều bỏ ra để chia sẻ với người lao động. Có doanh nghiệp chuyên chở khách nay giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, xe nằm bến nhưng vẫn phải trả công cho người làm để họ duy trì cuộc sống.
Dù khó khăn chồng khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vận tải đều chấp nhận thiệt hại để hy vọng khôi phục; doanh nghiệp nào có điều kiện thì cố duy trì để cầm cự qua ngày.
- Ông có chia sẻ gì về kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, thưa ông?
Tôi đánh giá rất cao khi Bộ GTVT đã kịp thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương có một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải lúc này. Tuy nhiên, ngoài các chính sách trên, cần bổ sung thêm:
Thứ nhất, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, đơn vị giảm một số loại phí cho các doanh nghiệp vận tải như: Phí bảo trì đường bộ và các phí BOT, phí quốc lộ,…
Thứ hai, đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vận tải.
Thứ ba, cần tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp vận tải có khả năng tiếp cận được với các khoản vay ưu đãi. Có như vậy, doanh nghiệp vận tải mới hy vọng vượt qua được khó khăn lúc này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Tài chính xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định chính sách miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế theo nghị quyết của Chính phủ, ưu tiên doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.
(Nguồn: Báo cáo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải)
Doanh nghiệp khó đối phó với chi phí giá nguyên liệu
Bộ Giao thông vận tải cho biết giá xăng dầu đã tăng 27% so với đầu năm và 50% so với giá xăng bình quân năm 2021.
Chi phí nhiên liệu thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí vận tải:
Đối với vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí hoạt động nhưng với giá xăng dầu hiện nay, chi phí này lên tới 40 - 45%. Do vậy, trong tháng 2 và 3-2022, khoảng 80 - 90% doanh nghiệp xe khách liên tỉnh đã kê khai tăng giá cước với mức tăng từ 10 - 15% (tùy theo cự ly tuyến), giá cước chở hàng bằng ôtô cũng tăng từ 7 - 10%.
Theo kế hoạch năm 2022 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tỉ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chỉ chiếm 21,5%. Do giá nhiên liệu tăng, hiện nay tỉ lệ này đã lên đến 29% và làm tăng chi phí vận tải lên 15 - 20% so với kế hoạch ban đầu. Dù vậy, giá vé tàu hỏa vẫn giữ ổn định so với trước thời điểm biến động giá nhiên liệu nhằm thu hút hành khách đi tàu, chỉ tăng cước chở hàng bằng tàu hỏa từ 3 - 5%.
Với đường thủy nội địa, chi phí nhiên liệu hiện nay đang chiếm khoảng 45 - 50% chi phí vận tải và 32 - 35% giá dịch vụ vận tải. Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Với vận tải biển, giá nhiên liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi phí, khoảng 35 - 45%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các hãng tàu chưa tăng giá cước vận tải theo giá nhiên liệu. Dù vậy, có một số hãng tàu đã tăng phụ thu giá nhiên liệu từ tháng 3-2022 (như hãng tàu Yangming, hãng tàu SITC).
Theo báo cáo của các hãng hàng không, hiện nay chi phí nhiên liệu chiếm tỉ trọng khoảng 30 - 42% tổng chi phí chuyến bay của các hãng. Các hãng hàng không đã đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa.
Diễn đàn Doanh nghiệp