GS. Trần Văn Thọ: "Cách mạng 4.0 rất cao xa, có những phương pháp đơn giản hơn chúng ta không làm"
Tại Hội thảo "Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa" thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, diễn ra sáng nay (11/01), GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Tokyo, đã nêu ra các vấn đề về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay cũng như các giải pháp và kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Nền kinh tế Việt Nam 2017 đã đạt được những thành tựu ấn tượng như tốc độ tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, đầu tư nước ngoài cao nhất trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, ông Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng "mô hình tăng trưởng hiện không phù hợp với các điều kiện thay đổi của nền kinh tế".
Ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhận định: "Để tránh được bẫy thu nhập trung bình và duy trì tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần thiết lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới, thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước và tăng sức cạnh tranh”. Vì vậy, tăng trưởng năng suất, đẩy mạnh công nghiệp hóa chính là một giải pháp để nước ta thoát được bẫy thu nhập trung bình.
GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Tokyo, nhận định: “Tăng năng suất có một số vấn đế rất đơn giản nhưng chúng ta không để ý”. Theo đó, tái phân bổ nguồn lực, cách tân công nghệ và công nghiệp hóa, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp là những giải pháp cần thiết.
Nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, số lượng lao động dư thừa trong khu vực nông nghiệp và kinh doanh cá thể còn nhiều. Năm 2016, lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm hơn 40% tổng lao động, kinh tế cá thể chiếm hơn 30% trong nền kinh tế. Có thể thấy dư địa tăng năng suất của Việt Nam còn rất lớn.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục (1955 - 1973) cho thấy Nhật có sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ sang lĩnh vực công nghiệp. Trong nội bộ ngành công nghiệp cũng có sự dịch chuyển từ các ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày sang các ngành có giá trị gia tăng cao như điện tử, ô tô.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước vẫn chiếm vị trí cao trong nền kinh tế trong khi doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé trên thị trường. GS. Trần Văn Thọ nhận xét "ở Việt Nam hay kêu gọi khởi nghiệp nhưng như vậy chưa đủ, khởi nghiệp phải có quy mô lớn".
Các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta chủ yếu có quy mô nhỏ, không có năng lực xuất khẩu, đầu tư đổi mới thiết bị, vì vậy thiếu kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đã thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên, chất lượng của các doanh nghiệp FDI cũng như liên kết giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu nên không tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
So với Nhật Bản vào khoảng 60 năm trước, Việt Nam hiện nay có nhiều điểm tương đồng. Thời kỳ đó, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một nước công nghiệp hiện đại nhờ tăng năng suất lao động bằng cách tăng quy mô doanh nghiệp và cải tiến công nghệ. Thập niên 50, 70, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Theo GS. Thọ, đây là một giải pháp đơn giản và hiệu quả, "cách mạng 4.0 rất cao xa, có những phương pháp đơn giản hơn chúng ta không làm".
Các thông tin về du nhập công nghệ của Việt Nam còn thiếu dữ liệu. “Tôi tìm thử Việt Nam về thống kê nhập xuất khẩu công nghệ thì không ra, hỏi Ngân hàng Nhà nước cũng không có”, GS Thọ cho biết. Do đó, theo vị giáo sự, Việt Nam cần bổ sung thống kê này để nhìn được bức tranh toàn cảnh về xuất, nhập khẩu công nghệ của doanh nghiệp Việt.
Việt Nam cũng sắp kết thúc giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa còn ở vị trí thấp trong nền kinh tế và ở giai đoạn thấp trong chuỗi giá trị sản phẩm. Điều này cho thấy nước ta có nguy cơ kết thúc công nghiệp hóa sớm. Với một nước thu nhập trung bình thấp thì đẩy mạnh công nghiệp hóa chính là một giải pháp đột phá nâng cao năng suất và tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, công nghiệp hóa của nước ta còn tiến triển chậm, lao động có xu hướng chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp.
Từ những nhận định trên, GS. Trần Văn Thọ đưa ra các đề xuất về chiến lược và chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, cải thiện thị trường lao động, thị trường vốn, ưu tiên nhập khẩu công nghệ, thúc đẩy một số ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.