GS.TS Trần Thọ Đạt: Rủi ro tài khóa sẽ ngày càng gia tăng
Theo TS. Trần Thọ Đạt, sẽ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.
- 18-03-2019TS. Trần Đình Thiên: "Cơ cấu kinh tế có vấn đề"
- 18-03-2019Lộ diện kinh tế “ngầm”
- 15-03-2019Phát triển kinh tế tư nhân không đồng nghĩa "xóa sổ" kinh tế nhà nước
-
Trong quá trình phối hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ, không có công thức chung và lời giải chắc chắn đúng. Bất kỳ phương án nào cũng đòi hỏi một mức độ quyết đoán và chấp nhận rủi ro.
-
Gói Hỗ trợ an sinh lần 2 phải được thực hiện kịp thời để nhóm người lao động bị ảnh hưởng nặng nề sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, vào lúc cần thiết nhất…
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc cho biết nhà trường chuẩn bị cho ra mắt ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng", trong đó ông là đồng chủ biên. Trước thềm sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về những đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam 2018 và các dự báo về năm 2019 mà các tác giả đã nghiên cứu.
Xin ông cho biết những đánh giá tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2018?
TS. Trần Thọ Đạt: Báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng, kinh tế Việt Nam năm 2018 khép lại với mức tăng trưởng 7,08% - mức cao nhất trong vòng hơn một thập niên qua. Những động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực FDI với ngành công ngiệp chế biến chế tạo, về phía chi tiêu là tiêu dùng nội địa và thặng dư thương mại. Chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện: tỷ trọng tổng đầu tư xã hội/GDP không đổi, tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng đã mang lại tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn năm 2017, năng suất nhân tố tổng hợp TFP tăng cao hơn năm 2017, và ở mức cao nhất so với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, năng suất lao động mặc dù có tốc độ tăng cao hơn các nước trong khu vực, nhưng lại suy giảm so với năm 2017, và quan trọng hơn là chưa đủ cao để có thể giúp Việt Nam giảm nhanh được cách biệt quá lớn về chênh lệch năng suất lao động. Một điểm lưu ý là tốc độ tăng trưởng 7,08% của năm nay là đang cao hơn tốc độ tăng mức sản lượng tiềm năng của nền kinh tế (ước lượng trong nghiên cứu của chúng tôi là khoảng 6,6-6,8%), do đó, áp lực lên lạm phát sẽ gia tăng trong những năm tới nếu thực hiện các chính sách can thiệp làm tăng tổng cầu.
Ngoài ra, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh sau nhiều năm nỗ lực đang có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh dự kiến, nhưng đã đương đầu với nhiều áp lực. Dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, không gian chính sách tài khóa không còn nhiều do thâm hụt ngân sách và nợ công có giảm về tỷ trọng nhưng vẫn ở ngưỡng cao.
Theo ông, những rủi ro vĩ mô nào là quan trọng nhất trong năm 2019 và các năm tiếp theo?
Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, rủi ro tài khóa sẽ ngày càng gia tăng và đây cũng chính là lý do chủ đề của Báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2018 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là về vấn đề chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp, do vậy thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện đang ở mức cao nhất trong khu vực. Chúng ta dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi. Đây là rào cản đối với tăng trưởng dài hạn, tạo áp lực đối với ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng kháng cự với các cú sốc của nền kinh tế. Đồng thời trong bối cảnh này, sẽ không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Ông có thể nói rõ hơn về những rủi ro chính sách tài khóa vừa đề cập?
Hiện tại, qui mô chi NSNN của Việt Nam đang ở mức cao. Tỷ trọng tổng chi (bao gồm cả chi trả nợ gốc)/GDP năm 2018 mặc dù có giảm so với năm 2017 nhưng vẫn ở mức trên 30%. Chi cân đối NSNN (không bao gồm chi trả nợ gốc, chỉ bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư)/GDP cũng ở mức cao 28,34%, chỉ giảm nhẹ so với năm 2017 và cao hơn nhiều so với trung bình giai đoạn 5 năm 2013-2017. Ngoài ra, tốc độ tăng chi cân đối NSNN trung bình giai đoạn 2016-2018 là 21% mỗi năm, cao hơn tốc độ tăng chi cân đối NSNN giai đoạn 2001-2015 (khoảng 17% mỗi năm). Trong tổng chi cân đối NSNN, chi thường xuyên đang ngày càng gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn, liên tục cao khoảng 70% kể từ năm 2008. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư công đã giảm xuống (hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng chi cân đối NSNN), và việc sử dụng đầu tư công vẫn dàn trải và chưa hiệu quả. Gần đây, những khoản chi trả nợ (gồm cả lãi và gốc) đang ngày càng gia tăng và có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của NSNN trong tương lai.
Áp lực về chi dẫn tới áp lực tăng thu. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu cân đối NSNN trung bình giai đoạn 2016-2018 giảm (trung bình 9,9% mỗi năm so với 11,4% giai đoạn 2011-2015 và 21% giai đoạn 2005-2010), phản ánh một phần thực trạng các nguồn thu thiếu bền vững (thu từ dầu thô, tài nguyên, thu từ các hoạt động xuất nhập khẩu suy giảm trong khi thu nội địa khó khăn). Mặc dù kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong năm 2018, bán vốn DNNN và bán các tài sản nhà nước gia tăng, nhưng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2018 ở mức 3,67% GDP, tăng hơn so với năm 2017, mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng Quốc hội phê duyệt (3,7%). Chúng ta vẫn ở trong tình trạng có mức mất cân bằng ngân sách cao so với các nước trong khu vực.
Thâm hụt ngân sách cao qua các năm đã khiến nợ công tăng, và so với nhiều nước đang phát triển thì Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ nợ công cao. Tỷ lệ nợ công trên GDP khoảng 61,4% năm 2018, vẫn nằm trong mức trần nợ công 65% mà Quốc hội cho phép, nhưng quy mô nợ gia tăng đang khiến mức chi trả nợ lãi vay ngày càng cao. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu NSNN cũng đã tiệm cận đến ngưỡng 25%, cao hơn quy mô trung bình của các nước đang phát triển thu nhập thấp và các nước châu Á.
Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng các khoản nợ công hiện nay vẫn chưa tính đủ các gánh nặng nợ tiềm tàng từ hoạt động của khu vực ngoài ngân sách như hoạt động của BHXH, BHYT, khu vực ngân hàng và đặc biệt là khu vực DNNN.
Cùng với việc đánh giá tích cực những kết quả khá ấn tượng về kinh tế của năm 2018, chúng tôi cũng chỉ ra một số thách thức chính của năm 2019 và những năm tiếp theo.
Thứ nhất là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Các tác động bất lợi có thể kể đến là: i) Tính bất định và khó lường trong môi trường kinh tế thế giới, Việt Nam có thể sẽ chịu tác động lớn từ những cú sốc từ bên ngoài, trong khi khả năng kháng chịu và thích ứng còn chưa cao, ii) Việt Nam hiện đang ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn. Với những bất ổn của xu hướng thương mại và đầu tư thế giới, các chuỗi sản xuất này có thể bị ảnh hưởng, thậm chí gián đoạn ở những khâu sản xuất ở Việt Nam, iii) Khi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc sẽ tìm đến các thị trường khác, gia tăng sức ép cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, iv) Quá trình điều chỉnh lại chính sách tiền tệ của Mỹ và EU trong thời gian tới, kéo theo sự mất giá của các đồng tiền và giá cả gia tăng ở hầu hết các nước đang phát triển; cùng với bất ổn của giá dầu thế giới, sẽ tạo áp lực trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VND.
Thứ hai là rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, cần được thực thi một cách quyết liệt và thực chất hơn; thực tế kết quả sản xuất cũng như các cơ hội sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân cần được cải thiện nhiều hơn.
Thứ ba là dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp. Việc gia tăng cung tiền và tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát, đặc biệt là khi mức tăng trưởng thực tế đang cao hơn sản lượng tiềm năng, gây sức ép đến ổn định tài chính, trong khi hệ thống chưa xử lý dứt điểm vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn chưa được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách và nợ công tuy có giảm về tỷ trọng nhưng vẫn ở mức cao khiến dư địa cho chính sách tài khóa thu hẹp, doanh nghiệp luôn đối diện rủi ro trả tăng thuế phí.
Theo ông, những chính sách nào cần chú trọng để nền kinh tế có thể duy trì được đà tăng trưởng và bứt phá?
Để có thể tạo được bứt phá và duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững, cần nhanh chóng cải thiện tổng cung cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế, theo đó, một mặt tăng được mức sản lượng tiềm năng, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện năng suất, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng; mặt khác gia tăng được dư địa chính sách, tạo cơ hội nâng cao hiệu lực của các chính sách vĩ mô.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần gia tăng khả năng chống chịu từ bên ngoài thông qua gia tăng sức mạnh của khu vực kinh tế trong nước với việc cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh; củng cố và cải thiện hơn các cân đối vĩ mô, đặc biệt là ngân sách và nợ công; gia tăng tính nhất quán của các chính sách vĩ mô; xử lý triệt để hơn những rủi ro tài chính như tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát tín dụng và xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính ngân hàng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!