MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiết kiệm 3,4 tỷ đồng với lãi suất gần 5%/năm, 5 năm sau, người phụ nữ đến ngân hàng rút tiền thì bị cảnh sát bắt giữ: Ngân hàng chối bỏ trách nhiệm

10-09-2024 - 16:19 PM | Sống

Gửi tiết kiệm 3,4 tỷ đồng với lãi suất gần 5%/năm, 5 năm sau, người phụ nữ đến ngân hàng rút tiền thì bị cảnh sát bắt giữ: Ngân hàng chối bỏ trách nhiệm

Gửi hơn 1 triệu NDT vào ngân hàng, người phụ nữ Trung Quốc tá hỏa khi số tiền tiết kiệm bao nhiêu năm bỗng chỉ còn vài đồng.

1 triệu NDT gửi ngân hàng “không cánh mà bay”

Theo Sohu, tháng 9 năm 2009, chị Tôn sống ở thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã 2 lần gửi tiết kiệm ở Ngân hàng Hợp tác xã Nông thôn Tảo Trang chi nhánh Tiết Thành. Tổng cộng số tiền mà chị Tôn đã gửi là 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng). Vào thời điểm đó, lãi suất hàng năm của ngân hàng này là gần 5%. Nếu gửi theo kỳ hạn 5 năm thì tổng số tiền lãi mà chị Tôn nhận được là khoảng 200.000 NDT (hơn 693 triệu đồng).

5 năm sau đó, vào tháng 9 năm 2014, người phụ nữ này đến ngân hàng trên rút tiền để nhận toàn bộ tiền lãi dự tính. Tuy nhiên khi đến nơi, chị lại được giao dịch viên thông báo 2 cuốn sổ tiết kiệm của chị chỉ còn lại 1 NDT (hơn 3.000 đồng). Điều này khiến chị Tôn rất hoang mang. Bởi lẽ, người phụ nữ này vẫn luôn cho rằng ngân hàng là kênh đầu tư an toàn nhất, thế nhưng không chỉ số tiền gốc mà khoản lãi chị mong đợi cũng đã biến mất mà không rõ nguyên nhân.

Không những thế, giao dịch viên sau khi kiểm tra sổ tiết kiệm của chị Tôn còn cho rằng chúng là giả. Nghe những lời này, chị Tôn vô cùng tức giận. Rõ ràng tiền của chị đã được gửi vào ngân hàng và sổ tiết kiệm cũng là phía họ đưa cho chị. Vậy mà sau 5 năm, chị không chỉ mất hết tiền đã gửi mà bị cho là làm giả giấy tờ.

Gửi tiết kiệm 3,4 tỷ đồng với lãi suất gần 5%/năm, 5 năm sau, người phụ nữ đến ngân hàng rút tiền thì bị cảnh sát bắt giữ: Ngân hàng chối bỏ trách nhiệm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Không chấp nhận lý lẽ mà phía ngân hàng đưa ra, chị Tôn đã nhiều lần đến và yêu cầu ngân hàng cho mình một lời giải thích. Trong khi đó, phía ngân hàng cho rằng chị Tôn vừa làm giả giấy tờ, vừa gây rối trật tự công cộng nên đã nhờ cảnh sát địa phương bắt giữ người phụ nữ này. Tuy nhiên qua điều tra, cảnh sát kết luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy chị Tôn có liên quan đến việc làm giả sổ tiết kiệm nên đã trả tự do cho người phụ nữ này.

Dẫu vậy, mâu thuẫn giữa chị Tôn và ngân hàng trên vẫn chưa được giải quyết. Đến tháng 7 năm 2020, chị Tôn đã khởi kiện Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tảo Trang lên Tòa án Nhân dân huyện Tiết Thành để đòi lại công bằng cho bản thân.

Ai đúng, ai sai?

Trước tòa, phía bị cáo là Ngân hàng Thương mại nông thôn Tảo Trang đã đưa ra các lập luận như sau: Thứ nhất, chữ viết tay trong 2 cuốn sổ tiết kiệm của chị Tôn không được in bởi cùng một máy in, chứng từ gửi tiền cũng là giả mạo; Thứ hai, lựa chọn loại hình kinh doanh trong 2 sổ tiết kiệm là đô la Hong Kong, tuy nhiên, chị Tôn chưa bao giờ mở kinh doanh ngoại tệ; Thứ ba, ngoài những giấy tờ giả mạo trên, chị Tôn không còn bằng chứng chứng minh 1 triệu NDT liên quan đến vụ án đã được gửi vào ngân hàng.

Những bằng chứng trên đủ cho thấy khoản tiền tiết kiệm gửi 1 triệu NDT của chị Tôn là bịa đặt và ngân hàng cũng không có thông tin về khoản tiền gửi này. Vì vậy, Ngân hàng Thương mại nông thôn Tảo Trang xác định giữa họ và chị Tôn không có mối quan hệ nào cả. Từ đây, phía ngân hàng cũng yêu cầu tòa án bác bỏ vụ kiện này.

Trước những cáo buộc của ngân hàng, chị Tôn cũng trình lên toà án những giấy tờ liên quan đến vụ việc để chứng minh mình đúng. Dựa trên những bằng chứng do chị Tôn cung cấp, tòa án đã tổ chức trao đổi chứng cứ và thẩm vấn chéo. Cuối cùng, cùng với những chứng cứ mà cơ quan công an huyện Tiết Thành điều tra và cung cấp, toà án đã đứng về phía nguyên đơn là chị Tôn.

Gửi tiết kiệm 3,4 tỷ đồng với lãi suất gần 5%/năm, 5 năm sau, người phụ nữ đến ngân hàng rút tiền thì bị cảnh sát bắt giữ: Ngân hàng chối bỏ trách nhiệm- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, qua điều tra sâu, công an xác nhận rằng chị Tôn đã gửi tổng cộng 1 triệu NDT vào Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tảo Trang. Tuy nhiên, hồ sơ gửi tiền đứng tên chị Tôn đã bị một cựu nhân viên Điền Diễm ở ngân hàng này làm giả. Trong số tiền gửi 1 triệu NDT của chị Tôn, 800.000 NDT đã được Điền Diễm rút đi bằng chữ ký giả. 200.000 NDT còn lại cũng đã được một nhân viên khác trong ngân hàng này âm thầm rút đi với cách tương tự.

Từ đó, toà án đưa ra phán quyết cuối cùng là Ngân hàng Thương mại Nông thôn Tảo Trang với tư cách là một tổ chức tài chính đã không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho tiền gửi của người gửi tiền. Vì vậy, đơn vị này cũng phải chịu trách nghiệm trong chuyện này. Toà án yêu cầu ngân hàng này phải trả cho chị Tôn khoản tiền 1 triệu NDT và lãi suất trong vòng 10 ngày kể từ ngày bản án này có hiệu lực. Trong trường hợp ngân hàng không bồi thường cho chị Tôn theo thời hạn quy định thì bản án sẽ được gia tăng.

Phán quyết này của Tòa án Nhân dân huyện Tiết Thành được đưa ra vào ngày 24/12/2020. Tuy nhiên, ngân hàng này đã từ chối thi hành bản án của tòa. Sự chậm trễ này kéo dài hơn nửa năm. Đến ngày 1 tháng 7 năm 2021, sau khi bị Tòa án Nhân dân Tảo Trang tăng hình phạt thì chi nhánh ngân hàng này mới chịu đền bù cho chị Tôn. Động thái này của phía ngân hàng cũng đã khép lại vụ án kéo dài 7 năm của chị Tôn.

Câu chuyện trên là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người khi tình trạng lừa đảo ngân hàng ngày càng nhiều. Cách tốt nhất, mọi người luôn phải nâng cao nhận thức và đề cao cảnh giác, đồng thời nghiêm túc bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản của người gửi tiền. Có như vậy, chúng ta mới có thể hạn chế được những rủi ro trong quá trình gửi tiền, cũng như né tránh được âm mưu xấu của những kẻ lừa đảo.

(Theo Sohu)

Ánh Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên