Hạ lãi suất tiền gửi về 0%, thổi nhà đất, cổ phiếu tha hồ bong bóng?
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) gây sốc với đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm, luật sư cho răng không thể can thiệp thô bạo vào thị trường, nhất là khi không có cơ sở pháp lý để làm việc này
- 22-06-2021Đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0%: "Một đề xuất thiếu cơ sở và không khả thi"
- 22-06-2021Vafi đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về…0%
- 10-06-2021Gửi tiền ở ngân hàng nào có lãi suất cao nhất hiện nay?
VAFI dẫn chứng một số quốc gia hiện nay có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay thấp, từ đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng thấp.
VAFI cho rằng, Chính phủ cần ban hành các giải pháp để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0% như sau:
Cần hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản; đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước;
Hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.
Ngân hàng cho vay vẫn nhiều hơn tiền huy động được
Để làm được việc này, theo VAFI, Bộ Tài chính cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các đối tượng tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ thấp lãi suất huy động.
Kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hàng năm để tăng cường tiềm lực tàichính quốc gia, đủ sức đương đầu với mọi cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trong nước tiếp tục được củng cố theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém, cải thiện cơ cấu cổ đông bằng việc tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự, hạn chế dần tình trạng ngân hàng thuộc sở hữu của 1 tập đoàn và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ ngân hàng nào.
Trao đổi với Infonet về đề xuất của VAFI, Luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật ANVI – cho rằng đề xuất trên là “không hợp lý” vì lãi suất phản ánh mặt bằng nền kinh tế, xã hội.
Đồng tiền mất giá trường kỳ và luôn có những rủi ro trên thị trường nói chung , nên đương nhiên lãi suất tiền gửi và tiền vay (xét theo một chiều khác thì tất cả đểu là tiền vay) phải cao mới là hợp lý.
“Việc nắn dòng tiền đi thẳng vào kênh đầu tư sản xuất SXKD thay vì "đầu tư" vào tiền gửi là đúng. Tuy nhiên, tất cả đều phải bằng công cụ, chính sách kinh tế, tuyệt đối không thể bằng biện pháp hành chính áp đặt lãi suất cao hay thấp, đi ngược lại kinh tế thị trường”, luật sư nói.
Theo đó, một trong những công cụ cần tính đến là đánh thuế đầu tư tiền gửi, luật sư Đức nhấn mạnh là đánh thuế “đầu tư tiền gửi” chứ không phải “tiền gửi” tiết kiệm đối với những khoản tiền gửi nhỏ lẻ. Đó là các khoản tiền gửi lớn, hoàn toàn mang tính chất đầu tư, số tiền gửi là hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
“Nhà đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp hoặc ngân hàng, có khi mất trắng (phá sản hay bị mua 0 đồng), có khi nhiều năm không có lãi, nhưng khi nhận cổ tức dù nhiều hay ít lập tức bị đánh thuế 5%. Vậy thì cần đánh thuế khoản lãi tiền gửi lớn, ít nhất là mức 5% như với cổ tức. Như vậy, hạn chế nguồn vốn vào ngân hàng, giảm quy mô cho vay, nhất là đầu tư quá nhiều vào bất động sản, chứng khoán...”.
Trước lo ngại nếu đưa lãi suất tiền gửi về 0%, tiền sẽ chảy vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tạo bong bóng là bất động sản và chứng khoán, trong khi ngân hàng có thể gặp khó trong huy động vốn phục vụ nền kinh tế, Luật sư Trương Thanh Đức một lần nữa khẳng định: “Không thể can thiệp thô bạo vào thị trường, nhất là khi không có cơ sở pháp lý để làm việc này”.
Do đó, điều nên làm hiện nay là tăng các tỷ lệ an toàn vốn, dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhằm hạn chế tăng trưởng huy động và tín dụng; đồng thời đánh thuế vào tiền gửi lớn, hạn chế doanh nghiệp, nhà đầu tư gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi, qua đó cũng dẫn đến giảm tăng trường huy động và tín dụng.
Infonet