MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ lãi suất trong năm 2017 là bất khả thi

30-01-2017 - 11:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia nhận định khó có điều kiện thuận lợi cho việc giảm lãi suất trong năm nay thậm chí lãi suất nhiều khả năng còn tăng. Một số yếu tố có thể đẩy lãi suất lên xuất phát từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Trao đổi với chúng tôi trong những ngày đầu xuân năm 2017, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định khả năng giảm lãi suất trong năm 2017 rất là khó.

Theo ông Lực, việc giữ vững mặt bằng lãi suất như trong năm 2016 gặp một số thách thức bao gồm: lạm phát có khả năng tăng trong năm 2017 khi giá hàng hóa thế giới phục hồi; lãi suất USD trên thị trường thế giới dự kiến sẽ tăng; áp lực từ phía tỷ giá; nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất; ảnh hưởng của việc áp dụng quy định của Thông tư 06 về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn kể từ 1/1/2017.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, hạ lãi suất trong năm nay là điều bất khả thi, thậm chí lãi suất nhiều khả năng còn tăng.

Ông Hiếu phân tích nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng đô la trong năm 2017, điều này sẽ tác động đến tình hình lãi suất ở Việt Nam trong bối cảnh lãi suất tiền gửi USD tại các ngân hàng ở Việt Nam vẫn đang ở mức 0%/năm, lãi suất USD ở Mỹ tăng sẽ kích thích sự chuyển dịch dòng ngoại tệ trong nước ra bên ngoài. Trong trường hợp này, cần xem xét nâng lãi suất USD trong nước trở lại nhằm ngăn chặn nguy cơ này nhưng nếu lãi suất USD tăng, lãi suất VND sẽ được đẩy lên. Bởi lẽ, cần có mức chênh lệch lãi suất khá cao giữa VND và USD để người gửi tiền không chuyển dịch từ VND sang USD.

Ngoài ra cũng cần theo dõi các chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây bất lợi với các quan hệ mậu dịch trên thế giới. Chẳng hạn, với Việt Nam, để cạnh tranh hay duy trì xuất khẩu, VND phải phá giá. Nếu VND phá giá sẽ kích thích việc mua và găm giữ USD - câu chuyện này lại quay về vấn đề trên là để tránh tình trạng chuyển dịch VND sang USD nhằm kiếm lời từ tỷ giá tăng thì cần duy trì sự chênh lệch lớn giữa lãi suất VND và lãi suất USD

"Vấn đề nợ xấu vẫn ở trong tình trạng lình xình trong 3 năm qua. Nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết triệt để thì các ngân hàng tiếp tục phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC. Từ đó, chi phí hoạt động sẽ phải duy trì ở mức cao và các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay", ông Hiếu nhận định.

Chuyên gia chỉ ra "cửa" giảm lãi suất được là các ngân hàng cần cắt gọt chi phí hoạt động, giảm thiểu việc trích lập dự phòng. Qua đó, Chính phủ phải hỗ trợ thực sự cho VAMC qua việc giúp công ty này mua nợ xấu từ các ngân hàng, mua bằng tiền mặt, mua với giá trị thực, mua đứt bán đoạn.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đưa ra quan điểm tương tự. FED đã tăng lãi suất cơ bản đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự lên giá của đồng USD. Trong khi đó, đồng Việt Nam hiện vẫn đang được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại. Điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới.

Ngoài ra, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị đồng Việt và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng, khi đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm giá có thể giảm hoặc tăng chậm hơn dự kiến (hạ nhiệt, nguội đi), và điều này có thể gây ra những rủi ro cho các dự án bất động sản vốn đã đang trong tình trạng nhạy cảm, dễ tổn thương, và do đó lan sang hệ thống ngân hàng. Mặc dù điều này chưa xảy ra rõ ràng, nhưng Chính phủ và NHNN cũng cần lưu ý.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên