MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội nỗ lực để tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%

Hà Nội nỗ lực để tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%

UBND TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế-xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV/2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý IV đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm đạt 4,54%.

Tại phiên họp sáng 23/9 của kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch COVID-19 là tiền đề để Thành phố triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, quyết tâm hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý II tăng 6,61%, cao hơn quý I (tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn mức trung bình của cả nước (5,64%).

Một số chỉ tiêu 8 tháng cũng tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,7 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 22,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện: Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 841,8 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 9.599 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 164.400 tỷ đồng, tăng 8,4%.

Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương với Hà Nội.

8 nhóm nhiệm vụ để phục hồi, phát triển kinh tế

Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã xác định tập trung thực hiện hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường…

Trong đó, đầu tiên là xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực; phân công nhiệm vụ đến từng ngành, đơn vị để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả.

UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế-xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV/2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý IV đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm 2021 đạt 4,54%. Hà Nội cũng xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh về tín dụng, thuế, thị trường, nhân lực, kết nối cung cầu và tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính...

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phù hợp để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó là các nhóm giải pháp về an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện để báo cáo Trung ương đối với 3 nội dung lớn để tạo hành lang pháp lý cho chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của Thành phố, gồm: Triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự quy định. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn phù hợp cho từng thời kỳ. Đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Hà Nội nỗ lực để tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54% - Ảnh 1.

Hà Nội lựa chọn 10 chung cư cũ để cải tạo, xây dựng trong giai đoạn 2021-2025


Sáng 23/9, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội".Lựa chọn 10 chung cư cũ để cải tạo, xây dựng trong giai đoạn 2021-2025

Thống kê đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954.

Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

UBND Thành phố dự kiến triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm đối với việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong đó, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.

Đề án phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hoàn thành trong quý II/2023, chia làm 4 đợt.

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà chung cư cũ, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12 tới. Trong đó, lập danh mục chung cư cũ cần thực hiện cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước 2021), nhóm dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025 và nhóm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai tiếp theo.

Thành phố cũng lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025, trong đó có 6 khu có tính khả thi cao là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D là Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp. Hà Nội cũng đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D...

Hà Nội cũng bổ sung cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ.

Dự kiến, tháng 11 tiêm bao bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19

Tính đến ngày 20/9, Hà Nội đã tiêm được 6.386.058 liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi, trong đó tiêm 5.691.664 mũi 1 (đạt 94,5% dân số trên 18 tuổi và 68,6% tổng dân số), tiêm 694.394 mũi 2 (đạt 11,2% dân số trên 18 tuổi và 8,4% tổng dân số). Số lượng còn lại chủ yếu là đối tượng không được chỉ định tiêm sau khi khám sàng lọc.

Dự kiến, đến tháng 11 tới, Hà Nội sẽ tiêm bao bao phủ mũi 2 trên cơ sở vaccine được phân bổ, đồng thời xúc tiến tìm nguồn vaccine cho trẻ em.

Theo Gia Huy

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên