MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương: Sẽ rút dần xăng A92 để Petrolimex dễ bán xăng E5?

01-12-2015 - 08:30 AM | Thị trường

Với giá vốn cao hơn xăng khoáng khoảng 100 đồng/lít, việc khó tiêu thụ xăng E5 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Theo ông Phạm Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết kinh doanh xăng E5 không mang lại lợi nhuận như xăng khoáng.

Là một trong những DN được giao kinh doanh xăng E5, ông Thắng cho biết Petrolimex đang chuẩn bị tốt việc kinh doanh loại xăng này để thực hiện theo kết luận của Thủ tướng sau các cuộc họp kinh doanh xăng E5.

Chỉ ba DN kinh doanh vì xăng E5 không mang lại lợi nhuận

Theo đó, sẽ đảm bảo tối thiểu 50% cửa hàng thực hiện kinh doanh xăng E5, đến 1/12, theo quy định sẽ triển khai ra toàn quốc. Hiện Petrolimex đã bố trí trên 330 cửa hàng, đảm bảo đủ 50% cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.

Tuy nhiên, một khó khăn được ông Thắng chỉ ra, là hiện nay gía xăng dầu thế giới đang ở mức thấp, khi giá dầu thô tại Singapore bình quân ở mức 56 USD/thùng. Giá cồn ethanol - nguyên liệu để sản xuất xăng E5 là 14.000 đồng/lít, cộng thêm thuế khiến cho giá vốn xăng E5 đắt hơn 100 đồng/lít, nên kinh doanh xăng E5 không mang lại lợi nhuận như xăng khoáng.

“Chính vì vậy hiện nay mới có ba đơn vị là Petrolimex, PetroVN và SaigonPetro đăng ký kinh doanh loại xăng này. Do đó, cần xây dựng giá cơ sở để thống nhất chỉ đạo giá xăng E5” – Phó Tổng Giám đốc Petrolimex nói.

Do đó, ông Thắng bày tỏ quan điểm là dù kinh doanh mặt hàng xăng nào, cũng cần phải đảm bảo nguồn và kinh doanh có hiệu quả. Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương cần nghiên cứu chính sách để đảm bảo các công ty khác đều có thể kinh doanh xăng E5 rộng khắp.

Sẽ rút dần xăng A92 để dễ bán xăng 5%?

Liên quan đến chính sách thuế cho xăng E5, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết đã phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ, đề xuất Bộ Tài chính cách tính giá cho xăng E5 ở mức phù hợp.

“Giá xăng khoáng và xăng E5 hiện nay, nếu không chênh lệch lớn để người tiêu dùng có thể mua thì sẽ không triển khai được. Nhiều ý kiến cho rằng mức chênh lệch phải hơn 1000 đồng/lít mới khuyến khích người dân. Cho nên phải hy sinh thuế môi trường để đưa xăng E5 ra cuộc sống” – Ông Quyền nói.

Tuy nhiên, việc giảm thuế môi trường là rất khó khăn nên ông Quyền cho rằng cần phải có chính sách và kế hoạch cụ thể để thực hiện được mục tiêu đưa xăng E5 vào cuộc sống. Hoặc là thay thế hoàn toàn xăng E5 với xăng khoáng, hoặc là khuyến khích theo cơ chế giá để người dùng lựa chọn.

Còn theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương), hiện Chính phủ thể hiện quan điểm, chưa thay đổi 100% xăng sinh học mà vẫn ở giai đoạn khuyến khích.

Cho nên về lâu dài phải rút dần xăng A92 ra khỏi thị trường bởi việc song song kinh doanh hai loại xăng này sẽ gây đội chi phí. Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng khi quyết định sử dụng xăng E5, phải đảm bảo các nguồn cung thông với thị trường, từ đó có thể điều hành giá theo thị trường.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên