MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây trồng vẫn xanh tươi ở vùng tâm hạn

21-03-2016 - 08:50 AM | Thị trường

Đó là thực tế đang diễn ra ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nhờ người dân đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm

Hầu hết các địa phương của tỉnh Ninh Thuận đang đối mặt với cuộc hạn hán khốc liệt nhất trong hơn 40 năm qua.

Sớm tạo nguồn nước

Sông trơ đáy, hồ cạn, cây trồng chết khô, người và gia súc kiệt quệ do thiếu nước trầm trọng là thực trạng ở vùng đất cực Nam Trung Bộ này. Vậy mà cây trồng ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vẫn xanh tươi, gia súc đủ sức vượt qua nắng hạn nhờ những nông dân ở đây chủ động khoan giếng, đào ao, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Trong cái nắng rát người cuối tháng này, anh Ngô Văn Hồng (ngụ thôn Thái An) cặm cụi bơm nước tưới 5 sào ớt của gia đình đang ra hoa. Anh Hồng cho biết nắng hạn kéo dài đã làm hồ Nước Ngọt ở đây cạn kiệt. Để đối phó với tình trạng này, anh cùng nhiều nông dân trong thôn đào ao, khoan giếng để giữ nguồn nước. “Tôi cùng 3 người bạn hùn tiền đào cái ao hơn 300 m2 hết mấy chục triệu đồng nên không thiếu nước, nếu không chắc chết” - anh Hồng bộc bạch.


Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, nhiều diện tích cây trồng ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vẫn phát triển tốt

Nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, nhiều diện tích cây trồng ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận vẫn phát triển tốt

Cách rẫy ớt của anh Hồng khoảng 500 m, bà Trần Thị Kim Mai và 2 con gái cùng vài phụ nữ trong thôn chăm tỉa giàn nho gần 4 sào đang chín bói. Theo bà Mai, từ giữa tháng 11-2015, khi nước hồ thủy lợi ở đây cạn kiệt, vợ chồng bà đã chủ động đào giếng lấy nước tưới nho và cứu khát cho 7 con bò của gia đình. “Chi phí đào giếng hơn chục triệu nhưng xem ra còn quá rẻ. Nếu không, giàn nho chết khô thì mất đứt cả trăm triệu đồng, lại còn chết khát nữa…” - bà Mai hóm hỉnh.

Ông Năm Lập, hàng xóm của bà Mai, chỉ tay về phía cái ao rộng khoảng 200 m2 giữa khu rẫy, cho rằng: “Nếu không sớm đào ao thì Tết Nguyên đán rồi, gia đình tôi chẳng thu hoạch được trái cà, trái táo gì ráo”.

Nhờ đào ao, khoan giếng, ngoài tưới cây, nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ ở các thôn Thái An, Vĩnh Hy, Mỹ Hòa không rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng như các địa phương khác.

Tiết kiệm 50% lượng nước

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, cho biết: “Toàn xã có ít nhất 500 hộ đào ao, vét giếng để chủ động nguồn nước. Nhờ vậy, gần 400 ha đất sản xuất và hàng trăm con gia súc ở đây mới vượt qua nắng hạn khốc liệt”.

Ông Phan Trọng Tri (ngụ thôn Mỹ Hòa) cho rằng trong hạn hán, dù có nguồn nước nhưng sử dụng không tiết kiệm thì cũng sớm cạn kiệt. Theo ông, để khai thác hợp lý nguồn nước, chính quyền địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Để thực hiện mô hình này, bà con xã Vĩnh Hải đã đầu tư đường ống dẫn nước và béc phun sương với chi phí khoảng 4 triệu đồng/sào đất. Với phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới hợp lý nên không cần nhiều nước nhưng cây trồng vẫn ướt đẫm cành lá và đủ độ ẩm cho gốc. Anh Nguyễn Thảo, canh tác 5 sào nho, cho biết sử dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm đến hơn 50% lượng nước cùng thời gian và công lao động. “Nhờ hệ thống tự động, tôi chỉ mở van tổng rồi đi làm chuyện khác”.

Ông Đỗ Thinh (ngụ thôn Vĩnh Hy) phân tích: “Dù vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng bù lại năng suất cây trồng tăng 20%-25% nên vẫn lợi hơn”. Theo ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, số hộ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm ở đây không dưới 100 hộ.

Chủ động chuyển đổi cây trồng

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, cho rằng cây trồng ở đây vẫn xanh tốt giữa hạn hán là nhờ người dân địa phương tích cực chuyển đổi cây trồng theo hướng ít sử dụng nước, đồng thời chủ động tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm cùng sự hỗ trợ tích cực của địa phương. “Thời gian tới, xã tiếp tục vận động, hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng” - ông Nam nói.

Theo Lê Trường

Người lao động

Trở lên trên