MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chất nhuộm ruốc là hóa chất nhuộm vải công nghiệp?

24-03-2016 - 16:33 PM | Thị trường

Về hoá chất dùng để nhuộm ruốc ở chân cầu Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên), các chuyên gia dự đoán là chất Rhodamine B dùng trong công nghiệp nhuộm vải, có khả năng gây hại cho gan, thận, làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Đã từng phát hiện nhiều vụ "nhuộm ruốc"

TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ông không “xa lạ” gì với chất cấm màu đỏ mà người dân thường sử trong thực phẩm. Ông cũng dự đoán hoá chất màu đỏ mà người dân Phú Yên nhuộm ruốc là chất Rhodamine B. “Khi còn đương chức, tôi đã cùng đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vụ nhuộm Rhodamine B đối với ruốc, tôm” – TS Đáng cho biết.

Theo ông Đáng, hoá chất Rhodamine B dùng trong công nghiệp nhuộm vải thường bền màu, giá rất rẻ chỉ dưới 20.000 đồng/100g nên người dân thường dùng để sử dụng nhuộm hạt dưa, tương ớt, vịt gà quay... Ngoài ra còn dùng để nhuộm thuốc đông y như chi tử. Người dân mua hoá chất về rồi pha nước, đổ lên thực phẩm và phơi khô hoặc bán luôn như đối với ruốc ở Phú Yên. Khi người dân ăn phải nếu gan kém có thể gây dị ứng tức thì, nổi mẩn da, xung huyết. Còn tích tụ lâu ngày có thể gây tổn thương gan, thậm và làm nguy cơ ung thư tăng cao.

Sau khi xem những hình ảnh ngư dân đổ thuốc nhuộm màu đỏ lên con ruốc ngay tại bãi biển, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) giật mình: “Tôi không hiểu tại sao người dân lại lắm trò, lắm chiêu để đầu độc nhau thế!”.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay, Bộ Y tế cho phép sử dụng một số chất màu nhân tạo trong việc chế biến thực phẩm, nước uống nhưng có danh mục rõ ràng những loại nào được phép, loại nào không và nồng độ cho phép sử dụng là bao nhiêu. Con ruốc giá trị cũng không lớn, việc nhuộm ruốc lại thủ công như ngư dân làm trên có thể thấy rằng thuốc nhuộm là một loại rẻ tiền, việc sử dụng theo nồng độ quy định cũng không được đảm bảo. Ông Thịnh cho biết, rất có thể phẩm màu dùng để nhuộm ruốc mà ngư dân dùng là chất Rhodamine B. Đây là một loại chất nhuộm màu đỏ, dùng để cho vào thực phẩm tạo màu, nhưng chất này bị cấm và vô cùng độc hại. Nếu người tiêu dùng, dùng sản phẩm có chứa chất này có khả năng gây ung thư rất cao.

Nguy hiểm gấp 2 lần

Tuy nhiên, theo TS Đáng, cũng không loại trừ hoá chất nhuộm ruốc mà người dân Phú Yên dùng là hoá chất khác. “Hàng nghìn các hoá chất đang tồn tại trên thị trường, rất dễ mua là một sự đe doạ đối với an toàn thực phẩm. Người sản xuất vì lợi nhuận có thể bất chấp tội ác, mua hoá chất về để “làm đẹp” thực phẩm” – TS Đáng bức xúc.


Phải dùng nước thì phẩm màu này mới ra hết màu đỏ.Dũ Tuấn

Phải dùng nước thì phẩm màu này mới ra hết màu đỏ.Dũ Tuấn

Cũng theo ông Thịnh, việc người dân sử dụng chất nhuộm con ruốc chỉ với mục đích làm đẹp, tuy nhiên lại có nguy cơ 2 lần độc hại với người tiêu dùng: “Con ruốc bản thân khi được đánh bắt lên thường có màu hồng đỏ rất tự nhiên, chính vì vậy nếu như phải nhuộm phẩm màu cho tươi, cho đẹp thì e rằng ruốc đã bị ôi thiu hỏng và tái bợt. Như vậy, dùng ruốc ôi thiu đã là nguy hiểm rồi lại còn bị nhuộm phẩm màu độc hại sẽ gây 2 lần nguy hiểm” – ông Thịnh nói. Ông Thịnh cũng cho rằng, hành động dùng thuốc nhuộm ruốc không chỉ là làm ăn gian dối mà còn là hành vi đầu độc cả cộng đồng. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, xử lý. Người tiêu dùng cũng nên tỉnh tháo trước các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ và bị cảnh bảo nguy hiểm, mất vệ sinh.

Theo TS Đáng, hiện nay việc buôn bán các hóa chất phụ gia nói chung, phụ gia thực phẩm nói riêng không bị ngăn cấm, ai bán cũng được, ai mua cũng được mà không cần biết người ta mua để làm gì. Các luật điều chỉnh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chỉ cấm sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm chứ không cấm mọi người mua bán. Chính vì thế, vì lợi nhuận khổng lồ, nhiều người sản xuất, chế biến vẫn tự do mua hóa chất độc hại về làm phụ gia thực phẩm.

Màu thực phẩm an toàn giá không dưới 200.000 đồng/lạng

Màu thực phẩm (hay phẩm màu) được xếp vào loại các chất phụ gia. Tuy không có giá trị về dinh dưỡng nhưng nó góp phẩn làm tăng tính hấp dẫn của thực phẩm. Phẩm màu được chia làm hai loại chính là phẩm màu tự nhiên và phẩm màu tổng hợp hoá học. Ngoài phẩm màu tự nhiên (chất mầu được chiết xuất hoặc chế biến từ các nguyên liệu hữu cơ (thực vật, động vật) sẵn có trong tự nhiên), phẩm màu tổng hợp được khá nhiều bà nội trợ, công ty chế biến thực phẩm tin dùng. Đây là sản phẩm mầu được tạo ra bằng các phản ứng tổng hợp hoá học.

Qua khảo sát của Dân Việt, các loại màu nhuộm thực phẩm hiện được bán khá phổ biến, tuy nhiên, chưa thấy loại có giá 17.000 đồng như người dân ở Gành Đỏ kể dùng để nhuộm ruốc. Phần lớn những loại phẩm màu này đều có giá trên dưới 200.000 đồng/lạng. Chẳng hạn như trên trang “Màu thực phẩm” – một trang website chuyên về phẩm màu thực phẩm an toàn, giá của mỗi lọ phẩm màu là 20.000 đồng/ lọ 10gram, tương đương 200.000 đồng/lạng. Còn trên trang Baker Land giá của mỗi hộp phẩm màu là 64.000 đồng/25gr, tương đương 256.000 đồng/lạng. Câu hỏi đặt ra là, với mức giá khoảng 17.000 đồng/lạng, loại phẩm màu mà người dân Gành Đỏ dùng để nhuộm ruốc có phải là màu thực phẩm và có an toàn với người tiêu dùng hay không?

Bảo Yến (tổng hợp)

Theo Diệu Linh - Nguyễn Thiêm

Dân việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên