Mía tím rớt giá, nhiều hộ nông dân lao đao
Thời điểm này những năm trước mía tím trên địa bàn huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã được thương lái mua hết. Thời gian đó, cây mía tím được mùa, được giá đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
- 30-04-2015Giá mía giảm, nông dân kém mặn mà
- 13-04-2015Thua lỗ, nông dân quay lưng với cây mía
- 09-04-2015Chiêu ‘biến hình’ của mía đường bẩn, nhập lậu
Tuy nhiên, vào thời điểm này mía tím bất ngờ rớt giá “không phanh” khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng và người trồng mía rơi vào cảnh để lại thì không được mà bán cũng không xong.
Đến trâu, bò cũng “chán” ăn mía tím
Là một trong những hộ trồng mía tím với diện tích nhiều ở xã Mỹ Hòa huyện Tân Lạc, gia đình anh Đinh Công Thắng xóm Đon vẫn không tin nổi mía năm nay lại rớt giá thảm hại như vậy. Những ruộng mía đã bước qua vụ thu hoạch nhưng bán rất khó mặc dù là giá thấp hơn rất nhiều so với mọi năm.
Đưa chúng tôi đến ruộng mía gần nhà, anh Thắng buồn rầu nói: “Gần 2 ha mía tím của gia đình tôi như năm ngoái bán chạy lắm! Với giá bán trung bình từ 7.000 đến 8.000 đồng/cây, gia đình tôi có thu nhập khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí có lãi hơn 100 triệu đồng. Nhưng năm nay, khi mới bước vào vụ thu hoạch, thương lái đến trả chỉ 135 triệu đồng. Thấy vậy, gia đình tôi cố để lại chờ giá lên mới bán. Nhưng chờ mãi, giá lại càng xuống chỉ với 2.000 đồng/cây và thương lái chẳng đến mua. Vậy là gần 2 ha mía tím quá thời gian thu hoạch nay đã bị rám nắng, mẫu mã xấu, thối nõn, xốp ruột lại càng khó bán. Tiếc quá, gia đình tôi chặt mía cho trâu ăn”.
“Điều đáng nói là với mức đầu tư diện tích mía trên vào khoảng gần 100 triệu đồng, thu nhập chẳng đáng là bao. Vậy là cây mía vốn là cây làm giàu nhưng năm nay lại trở thành cây “làm nghèo” với người dân chúng tôi” - anh Thắng than thở.
Đó là một nghịch lý đang xảy ra với cây mía tím Tân Lạc, bởi như thời gian trước mía được thương lái thu mua với giá cao và không có để bán. Nay lại rớt giá và thu mua chậm. Vậy là những cây mía tím ngon, ngọt, mập mạp lại phải chặt đi để cho trâu, bò ăn.
“Nhưng trâu, bò ăn mãi cũng chán. Thương lái lại thu mua chậm, giá thấp không biết gần 2 ha mía của gia đình tôi sau này sẽ xử lý thế nào. Bởi vì mía không thể phơi khô làm củi đun, chặt bỏ cũng không có chỗ để. Trong khi vụ mía mới đã bắt đầu từ lâu” - anh Thắng chia sẻ.
Khấm khá hơn nhiều hộ khác bởi gia đình anh Bùi Duy Lô ở xóm Ngay, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc đã “nhanh chân” bán được một nửa diện tích mía và “vớt vát” chút ít tiền công, phân bón, chăm sóc...
Anh Lô chia sẻ: “Gia đình tôi niên vụ mía này trồng khoảng 7.000 m2, đến nay đã thu hoạch được 4.000 m2 nhưng với giá chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/cây. Số tiền bán mía gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng, chưa đủ tiền đầu tư giống, phân bón và công chăm sóc”.
Hiện gia đình anh Lô cũng đang đau đầu khi còn 3.000 m2 mía đã đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn phải nằm ở ruộng vì không có thương lái đến mua.
“Chiến lược” nào cho cây mía tím Tân Lạc
Cây mía là một trong những cây trồng “chủ lực” của huyện Tân Lạc thời gian qua. Niên vụ này, toàn huyện trồng với tổng diện tích là 1.890 ha, trong đó có 1.200 ha cây mía tím, còn lại là cây mía trắng. Qua khảo sát từ các địa phương hiện nay giá mía tím đang xuống thấp, giảm chỉ còn 30% đến 50% so với mọi năm.
Thí như vụ mía năm nay toàn xã Mỹ Hòa trồng khoảng 365 ha mía tím. Nếu như vào thời điểm này của những năm trước, mía đã được bán hết để giải phóng đất trồng vụ mới. Năm nay, vụ thu hoạch đã kết thúc nhưng trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 20 ha mía chưa bán được. Nhiều hộ bán trước đó cũng chỉ là bán để kiếm chút tiền trang trải cho số vốn đã đầu tư chứ chưa dám nghĩ đến có lãi.
Tình trạng mía đến vụ thu hoạch không bán được hoặc bán giá thấp đang khiến nhiều gia đình điêu đứng. Bởi vì theo thống kê, nếu muốn trồng mía có lãi, mỗi cây phải được bán với giá từ 4.000 đến 5.000 đồng; nhưng với giá thương lái mua như hiện nay là 2.000 đồng/cây thì người nông dân chỉ có lỗ, may mắn thì hòa chứ chẳng dám mong có lãi.
Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Lạc cho biết, nguyên nhân dẫn đến giá mía giảm có khả năng là do diện tích trồng trong huyện Tân Lạc và các huyện khác của tỉnh Hòa Bình tăng đột biến, trong khi nhu cầu sử dụng cây mía tím giảm. Ngoài ra, cũng do thời tiết năm nay có diễn biến phức tạp làm giảm chất lượng của mía.
Trước tình hình trên UBND huyện đã có chỉ đạo các xã và bà con khẩn trương thu hoạch và bán mía thương phẩm với giá có thể chấp nhận được do giá cả hiện nay khó có thể nâng cao hơn nữa để tiếp tục phát triển vụ mía sắp tới. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm ở đây là việc các hộ thu hoạch và bán muộn sẽ gặp khó khăn về vốn để tái đầu tư vào các vụ tiếp theo, đặc biệt có những hộ đã bị thua lỗ trong sản xuất.
Còn về lâu dài, theo ông Hùng, huyện đã tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc quy hoạch vùng trồng mía của địa phương; hạn chế trồng mía vào diện tích các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, huyện cũng đã đề xuất với UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện các bước đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho cây mía tím Tân Lạc nhằm khắc phục khâu tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai ồ ạt trồng cây mía và các cây trồng khác trong địa bàn huyện.
Có thể nói, việc thu mua mía tím của người nông dân ở Tân Lạc và cả tỉnh Hòa Bình hiện nay vẫn “phó mặc cho thương lái”. Nghĩa là việc trồng mía là của người nông dân, còn giá thu mua là do thương lái tự đặt ra, lúc lên cao, lúc xuống thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng mía cũng như đời sống của bà con nông dân.
Như vậy, việc cần có một chiến lược phát triển cây mía tím lâu dài từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đang là vấn đề cần tỉnh và các cấp, ngành, địa phương tính toán hợp lý.
Theo Hoàng Hùng