MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý giá sữa - trách nhiệm không chỉ của Bộ Tài chính

29-03-2015 - 20:04 PM | Thị trường

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp yêu cầu thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá bán với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ.

Nhưng Luật Quảng cáo chỉ phân định sản phẩm sữa cho trẻ em thành hai loại là từ 1-3 tuổi và từ 3-6 tuổi, nên không dễ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nếu như không xác định rõ đâu là những loại sữa nằm trong phạm vi điều chỉnh của văn bản này.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có công văn số 89 gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn nhằm thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Theo đó, Cục Quản lý giá đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng kê khai giá tại địa phương rà soát, tiết giảm các khoản chi phí hình thành giá thành, giá bán sản phẩm và kịp thời giảm giá bán khi các khoản chi phí trong cơ cấu giá giảm.

Riêng đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (các sản phẩm không được quảng cáo theo quy định tại Nghị định số 100/2014 của Chính phủ), yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa thực hiện loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ. Đồng thời, thực hiện kê khai lại giá theo quy định trước ngày 15.4 và tổng hợp tình hình triển khai, kết quả thực hiện và báo cáo định kỳ gửi về Bộ Tài chính.

Hiện nay, các chi phí quảng cáo, tiếp thị… đang được xem là cái cớ để doanh nghiệp vin vào cho mỗi lần điều chỉnh giá bán. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá sữa chỉ tăng chứ không giảm dù diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường thế giới có như thế nào. Các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp lên tới 60-70%. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính trong năm 2014 cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao gấp gần 4 lần. Vì thế, quy định này được cho là sẽ giúp giá bán của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi có thể sẽ về đúng với giá trị thực.

Nhưng chính đại diện Cục Quản lý giá cho biết, quy định này đang gặp vướng mắc do theo Luật Quảng cáo, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được phân thành hai lứa tuổi, từ 1 đến 3 tuổi và từ 3 đến 6 tuổi. Thực tế, trên thị trường hiện hầu như không có loại sữa chỉ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, mà thường được chia thành các mức 1 đến 3 tuổi, 3 đến 6 tuổi và một số loại dành cho mức tuổi lớn hơn. Bởi vậy, nếu nói sản phẩm sữa dành cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi thuộc nhóm phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi mức giá bán cũng đúng, mà nếu nói không thuộc nhóm này cũng không sai.

Dù Cục Quản lý giá đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa cần phải sắp xếp lại tên phù hợp với quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng và báo cáo lại trước ngày 15.4 tới. Nhưng có lẽ vướng mắc này không thể tháo gỡ khi doanh nghiệp luôn tìm cách lách các quy định. Thậm chí, giá bán sản phẩm sữa vẫn không hề thay đổi dù Bộ Tài chính đã quyết định áp mức giá trần cho trên 20 loại sữa. Vướng mắc này chỉ tháo gỡ khi Bộ Y tế hoàn thành phân loại sản phẩm sữa dựa trên các tiêu chuẩn đã ban hành. Quản lý giá sữa không thể chỉ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, mà những bộ, ngành có liên quan cũng phải tích cực vào cuộc.

>>> Yêu cầu bỏ chi phí quảng cáo khỏi cơ cấu sữa cho trẻ dưới 24 tháng

Theo Hải Thanh

PV

Đại biểu nhân dân

Trở lên trên