Thị trường máy phát điện đón thời vụ
Nghe thông tin sẽ thiếu điện trầm trọng, từ đầu tháng 3, nhiều cửa hàng tại TP.HCM đã vội vã nhập máy phát điện chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sức mua còn khá chậm.
Một nhân viên bán hàng của cửa hàng Hoàng Thành (241 Lý Thường Kiệt) cho biết: ngoài những cửa hàng đã bán từ nhiều năm nay, khá nhiều cửa hàng mấy năm trước chỉ bán phụ tùng bơm nước hoặc làm dịch vụ sửa chữa nhưng năm nay nghe nói sẽ thiếu điện trầm trọng nên tranh thủ nhập hàng về bán theo kiểu thời vụ.
Nhiều hàng
Khảo sát trên thị trường, mặt hàng máy phát điện năm nay chủ yếu là hàng nhập từ các hãng trên thế giới sản xuất tại Trung Quốc hoặc các nhãn hiệu của Trung Quốc: Celemax, Kipor, Yamabishi (thuộc hãng Tiger), Powerful, Cater, Lifan, Hyundai, Kama… Nhãn hiệu Honda cũng có nhiều dòng với xuất xứ khác nhau: Trung Quốc, Việt Nam. Nếu là hàng Honda Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước nhập lốc máy từ Thái Lan, còn môtơ từ Malaysia, Ý… sau đó lắp ráp tại Việt Nam, dán tên công ty trên thân máy. Còn hàng Honda nhập từ Trung Quốc là chiếc máy hoàn chỉnh. Nếu cùng công suất, Honda Trung Quốc có giá thấp hơn Honda Việt Nam từ 1 triệu đồng/máy. Riêng thương hiệu Kobuta hầu như không có hàng mới bán tại khu vực này mà chủ yếu là hàng đã qua sử dụng với số lượng không nhiều.
Khảo sát tại khu phố máy phát điện Lý Thường Kiệt, hầu như không thấy những tên tuổi “thuần Việt” như Vikyno hay Seameco. Theo thông tin từ các cửa hàng, máy phát điện do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, dù giá thấp hơn nhưng vì nổ to, hao nhiên liệu nên ít người mua, chỉ có người dân các tỉnh Tây Nguyên như Dăk Nông, Gia Lai mua để chạy điện bơm nước tưới càphê, tiêu…
Tỷ giá tăng, giá máy phát điện năm nay cũng tăng theo khá mạnh, mức thấp nhất là 12% so với tháng 4 năm ngoái, chỉ một vài mẫu của hãng Honda như SH3000 (do Hữu Toàn lắp ráp) có giá xê dịch năm nay vài trăm ngàn đồng. Năm ngoái, giá một chiếc máy phát điện công suất 2kVA (hàng Trung Quốc) có giá khoảng 4 triệu đồng thì năm nay khoảng 4,5 triệu đồng. Bà Kim Yến (công ty Thảo Nguyên, TP.HCM) nói: “Năm nay giá tăng mạnh vì nhóm hàng này là hàng nhập. Mức tăng có khác nhau tuỳ theo thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”.
Ngồi ngóng…
Các công ty có năng lực tài chính chấp nhận giữ hàng để chờ thiếu hàng mới tung ra bán. Theo nhận định của bà Yến, với những thương hiệu lớn như Honda, đã có hiện tượng doanh nghiệp găm hàng chờ cơ hội, sau đó mới tung hàng ra thị trường với mức giá cao hơn. Còn các cửa hàng nhỏ, đang “nóng ruột” vì không bán được hàng.
Đã nhiều ngày nay, cửa hàng Gia Hiệp Thành (243 Lý Thường Kiệt, quận 11, TP.HCM), có khách hỏi máy phát điện gia đình nhưng chưa bán được chiếc nào. Ông chủ than vãn: “Hàng nhiều nhưng chưa thấy ai mua. Như sáng nay (8.3.2011), có gần chục khách hỏi thăm, dòm ngó nhưng không bán được chiếc nào. Chắc họ hỏi để so giá chứ còn mua thì chưa vì bây giờ đã thiếu điện đâu”.
Theo Trọng Hiền
SGTT