MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thịt bò giả lấn lướt thịt bò thật

06-03-2016 - 19:12 PM | Thị trường

Hiện nay tình trạng thịt heo, thịt trâu được “phù phép” để biến thành thịt bò ngày càng phát triển. Thường phần lớn là heo đã hết khả năng sinh đẻ, hoặc thịt trâu chết, được ngâm với hóa chất để “hô biến” thành miếng thịt bò thơm ngon.

Hô biến thịt heo, thịt trâu chết thành... thịt bò

Anh Lê Văn Việt một người buôn bán thịt bò lâu năm tại khu vực chợ đầu mối Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết: Hiện nay ở một số chợ đầu mối, vì nguồn lợi nhuận cao, vì thịt bò thường không có nhiều để bán như thịt heo, mà nhu cầu ngày càng cao, do đó đẩy giá thành thịt bò lên cao, vì hám lợi các “đầu nậu” này sẵn sàng bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng để làm lợi cho mình bằng cách mua những loại thịt heo sề, heo già, có thể còn sống hoặc đã chết, miễn là thịt dai, bì dày để dễ làm thành thịt bò rồi bán cho người tiêu dùng.

Cách làm của bọn chúng là thu mua thịt heo sề loại thải ở các lò mổ với giá rất rẻ và yêu cầu giết bằng phương pháp chích điện hoặc để ngạt thở chứ không chọc tiết như cách giết thông thường. Với cách giết này, tiết sẽ tụ lại ở các thớ thịt, làm cho thịt có màu đỏ đậm hơn, trông rất giống thịt bò.

Thịt heo loại này được thu mua với giá rất rẻ. Khi đã thu mua và giết mổ theo cách riêng của mình, các “đầu nậu” này sẽ chọn những tảng thịt lớn, lọc hết mỡ, rồi bỏ những thớ gân trắng đi, sau đó tẩm ướp hóa chất để tạo mùi vào để có mùi như thịt bò thật.

Loại phẩm màu này khá dễ mua, nếu dùng loại có nguồn gốc tự nhiên thì an toàn nhưng nếu dùng loại có nguồn gốc công nghiệp, ở dạng bột thì sẽ gây ngộ độc cho người dùng. Chỉ cần pha hóa chất với nước rồi nhúng thịt heo vào, trong vòng 1 phút, thịt heo sẽ đổi màu sang màu đỏ đậm, tươi như thịt bò thật.

Ngoài ra, để cho bề ngoài giống thịt bò, các “đầu nậu” này còn dùng thêm một hóa chất phụ gia Maltol, chỉ cần một lượng rất nhỏ là đã có thể triệt tiêu được những mùi khó chịu đặc trưng của thịt heo, và miếng thịt heo thành mùi thịt bò. Sau tất cả các bước biến hóa đó, các “đầu nậu” này sẽ trà trộn những miếng thịt heo này vào với những miếng thịt bò thật theo tỉ lệ 7:3, nghĩa là chỉ có 1/3 lượng thịt bò thật, còn lại là thịt heo đã được tẩm ướp hóa phẩm để lừa người tiêu dùng.

Cách nhận biết thịt bò thật...

Theo chuyên gia dinh dưỡng Lê Trọng Khang, hiện công tác tại Trung Tâm Dinh dưỡng Tp.HCM, thì các loại heo, thịt trâu được dùng để làm thịt bò giả phần lớn là lợn đã hết khả năng sinh đẻ hoặc trâu chết được nuôi bằng thức ăn công nghiệp để nhanh chóng tăng cân.

Vì vậy, trong thịt heo vẫn chứa các chất tăng trọng chưa được đào thải hết, nếu người dùng ăn phải sẽ có nguy cơ hấp thụ các loại hóa chất này. Ngoài ra, việc tẩm ướp các hóa chất tạo mùi bò không rõ nguồn gốc sẽ làm tăng nguy cơ thực phẩm đó bị nhiễm độc, nhất là khi các loại hóa chất này tích tụ lâu ngày thành một lượng lớn trong cơ thể thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn mua thịt bò để tránh mua phải những thịt bò loại này, sau đây một vài bí quyết để chọn được miếng thịt bò thật: Điều đầu tiên để chọn được miếng thịt bò tươi, ngon thì một là quan sát, hai là sờ tận tay, vì vậy người tiêu dùng nên chú ý hai cách này.

Thịt heo giả thịt bò sẽ có thớ thịt to và ngắn hơn, không mịn, phần mỡ màu trắng đục.

Còn thịt trâu giả thịt bò sẽ có màu đen sậm, thớ thịt to, mỡ trắng. Những loại thịt giả này thường có mùi tanh rất khó chịu chứ không có mùi hơi nồng đặc trưng của thịt bò. Ngoài ra, nếu thịt bò giả bị tưới huyết bò, ướp hóa chất tạo màu thì có màu sắc không đều và không tự nhiên. Khi miết tay vào miếng thịt sẽ thấy có phẩm màu ở tay, khi thái miếng thịt thấy phần thịt bên trong nhạt màu hơn so với phần thịt ở bên ngoài, thịt không dính vào dao và có nước rỉ ra.

Khi quan sát, nếu miếng thịt có bề ngoài khô ráo, màu đỏ thẫm nhưng vẫn có độ sáng tươi, thớ thịt không mịn, gân trắng nhỏ và mỡ màu vàng nhạt. Khi sờ tay vào miếng thịt, miếng thịt tươi ngon sẽ có độ dính, không nhớt, mềm vừa phải. Nếu lấy ngón tay ấn vào miếng thịt, nhấc ngón tay ra thấy thịt dính theo tay và có độ đàn hồi ngay như cũ. Nếu khi ấn và nhấc ngón tay ra không thấy cảm giác dẻo dính, miếng thịt không trả lại được độ đàn hồi, có vết lõm, hoặc sờ thấy nhớt nhớt thì đó là thịt đã để lâu.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên tránh mua những miếng thịt bò có màu tái xanh, có mùi hôi, có những nốt trắng tròn giữa các thớ thịt vì đó có thể là thịt bò bị sán. Thịt bò thật còn có đúng mùi hôi của bò, kể cả sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng.

Theo Viết Sáng

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên