Hãng lốp xe khổng lồ Pháp Michelin cắt giảm sản xuất ở Đức do khủng hoảng
Công ty lốp xe khổng lồ Michelin của Pháp đã công bố tại Frankfurt (Đức) hôm 28/11 rằng công ty này sẽ cắt giảm hơn 1.500 việc làm ở nước này vào năm 2025.
- 22-07-2023“Ngũ cốc của người nghèo” nay đã lên thực đơn được gắn sao Michelin: Trở thành cái tên vàng của năm 2023, các công ty lớn đổ xô vào tìm cách chế biến
- 08-06-2023Lý do Michelin Guide tới Việt Nam và điểm đặc biệt trong ấn bản đầu tiên so với Thái Lan, Singapore, Malaysia
- 07-06-2023Từ hãng lốp xe trở thành ‘người phán xử’ ẩm thực: Michelin có gì khiến cả thế giới ‘săn lùng’ như vậy?
Theo một tuyên bố của Michelin, sự cạnh tranh từ các quốc gia có mức lương thấp hơn, cũng như giá năng lượng tăng cao đã khiến hoạt động sản xuất ở khu vực Tây Âu, trong đó có Đức, không có lãi.
Các nhà máy của Michelin ở hai thành phố Karlsruhe và Trier sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn, và một số sản phẩm tại cơ sở của họ ở thành phố Homburg sẽ bị dừng sản xuất. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến tổng cộng 1.410 nhân viên. Nhà máy Karlsruhe, nhà máy lâu đời nhất của Michelin ở Đức, được thành lập vào năm 1931.
Công ty này cho biết thêm, 122 vị trí việc làm khác sẽ được chuyển đến bộ phận dịch vụ liên hệ khách hàng ở thành phố Karlsruhe, bộ phận này sẽ được chuyển đến Ba Lan. Theo thông báo trang web của Michelin, bộ phận trên hỗ trợ khách hàng ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, những khu vực mà Michelin tuyển dụng khoảng 8.000 người.
Công đoàn Đức (IG BCE) thông báo, họ sẽ không "đơn giản chấp nhận" các kế hoạch (của Michelin) và sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Michelin lưu ý rằng "các cuộc khủng hoảng y tế và địa chính trị gần đây" đã đẩy chi phí hoạt động lên cao, "gây thêm căng thẳng cho khả năng cạnh tranh của họ ở Đức với tư cách là một quốc gia công nghiệp".
Đức đã phải vật lộn với các vấn đề kinh tế ngày càng gia tăng kể từ khi EU quyết định không mua khí đốt tự nhiên giá rẻ từ Nga nhằm đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Bên cạnh đó là các vụ nổ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới biển vào tháng 9/2022 vốn vận chuyển nhiên liệu của Nga trực tiếp đến Đức. Berlin vẫn chưa xác định được thủ phạm thực hiện vụ tấn công.
Một số chính trị gia Đức đang kêu gọi chính phủ nước này xem xét lại lập trường đối nghịch với Nga, với lý do thiệt hại kinh tế mà đất nước họ phải gánh chịu liên quan đến các lệnh trừng phạt Moscow.
Ông Klaus Ernst, nghị sĩ thuộc đảng Cánh Tả, cho biết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) hôm 28/11: "Các biện pháp trừng phạt kinh tế (đối với Moscow) đang gây tổn hại cho chúng ta nhiều hơn là Nga"; "Kết quả là giá nhiên liệu tăng vọt, sản lượng trong ngành sử dụng nhiều năng lượng sụt giảm mạnh và nền kinh tế đang bị thu hẹp ở Đức", đồng thời kêu gọi tăng cường nguồn cung năng lượng, bao gồm cả từ Nga, để kiềm chế giá cả.
Đầu năm nay, nhà sản xuất lốp xe Goodyear của Mỹ tiết lộ kế hoạch đóng cửa hai nhà máy ở Đức, theo đó sẽ cắt giảm khoảng 1.750 việc làm. Là một phần trong kế hoạch hợp lý hóa hoạt động ở châu Âu, khu vực Trung Đông và châu Phi, công ty Goodyear sẽ đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở của mình ở Fulda và Furstenwalde.
VTV