MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch

15-09-2021 - 17:28 PM | Doanh nghiệp

Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch

Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn nhất thế giới ngày càng lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp mình. Mặc dù biến thể Delta làm chậm quá trình "trở lại bình thường", sự tự tin của họ vào nền kinh tế toàn cầu đã trở lại mức cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng nổ.

Báo cáo KPMG 2021 CEO Outlook, dựa trên câu trả lời từ hơn 1.300 CEO trên toàn cầu về chiến lược và triển vọng cho doanh nghiệp của họ trong 3 năm, cho thấy 60% các nhà lãnh đạo tự tin về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong 3 năm tới (tăng từ 42% ở khảo sát ngắn quý 1/2021).

Triển vọng về một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn đang tạo động lực cho các CEO đầu tư vào việc mở rộng và chuyển đổi kinh doanh. 69% nhà điều hành cấp cao lựa chọn các phương pháp liên doanh, mua bán & sáp nhập (M&A) và liên minh chiến lược làm chính sách chính để tăng trưởng cho doanh nghiệp của họ. Đa số (87%) các nhà lãnh đạo toàn cầu nói rằng họ đang tìm cách thực hiện các thương vụ M&A trong 3 năm tới để giúp phát triển và chuyển đổi doanh nghiệp của mình.

Cuộc khảo sát cho thấy 30% CEO có kế hoạch đầu tư hơn 10% doanh thu của họ cho các giải pháp và chương trình phát triển bền vững trong 3 năm tới.

60% CEO toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng trong ba năm tới. Điều này cho thấy mức độ lạc quan về tổng thể nền kinh tế cao hơn so với năm ngoái. Khi nhu cầu thị trường phục hồi lại, việc chi tiêu vốn và cơ hội việc làm cũng theo đó mà tăng lên. Đại dịch đã dạy chúng ta cách quản lý kinh doanh hiệu quả cao hơn bao giờ hết. Nhưng con đường hướng tới tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững đòi hỏi phải chú ý đến việc quản lý rủi ro, gánh nặng pháp lý và luôn đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường.

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam và Campuchia

Đạt mục tiêu net zero với sự giúp đỡ từ chính phủ

Trong số nhiều thách thức về kinh tế - xã hội, xã hội - môi trường mà thế giới đang phải đối mặt, các bên liên quan đang gây áp lực to lớn lên các doanh nghiệp trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tạo tác động tích cực cho xã hội. Do đó, hơn một phần tư (27%) các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại rằng việc không đáp ứng được các kỳ vọng về biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến việc các thị trường sẽ không đầu tư vào hoạt động kinh doanh của họ. Hơn một nửa (58%) CEO cho biết họ phải đối mặt với yêu cầu ngày càng tăng từ các bên liên quan (ví dụ: nhà đầu tư, cơ quan quản lý và khách hàng) để có thêm báo cáo về các vấn đề ESG.

77% lãnh đạo trên toàn cầu tin rằng chính phủ sẽ cần phải có biện pháp kích thích để tất cả các doanh nghiệp đạt mục tiêu net zero. 75% CEO toàn cầu đã xác định COP26 là một thời điểm quan trọng để tạo động lực đẩy nhanh các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu cho thấy mục đích của doanh nghiệp (corporate purpose) - những gì doanh nghiệp đại diện cho và tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng cũng như Trái đất - đang là động lực thúc đẩy 74% CEO đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan (khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và cộng đồng). Điều này cho thấy một sự gia tăng (từ 64% năm 2020) số lượng các CEO tin rằng họ cần phải đưa mục đích của doanh nghiệp (corporate purpose) vào việc ra quyết định hàng ngày và mục tiêu chính của họ là tạo ra giá trị lâu dài cho các bên liên quan.

Chuyển quan tâm sang các rủi ro về hoạt động và môi trường

Khi xem xét rủi ro đối với tăng trưởng trong 3 năm, các giám đốc điều hành cấp cao đã xác định ba lĩnh vực mà họ coi là rủi ro hàng đầu: chuỗi cung ứng, an ninh mạng và biến đổi khí hậu. 56% CEO toàn cầu nói rằng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp họ đang chịu căng thẳng gia tăng trong thời gian đại dịch.

Thay đổi niềm tin về tương lai của ngành lao động

Hiện chỉ có 21% CEO cho biết họ đang có kế hoạch giảm quy mô, hoặc đã thu nhỏ quy mô vật chất của doanh nghiệp họ. Đây là một sự thay đổi mạnh mẽ so với tháng 8 năm 2020, khi 69% các nhà lãnh đạo toàn cầu chia sẻ họ có kế hoạch giảm kích thước văn phòng của họ ở đỉnh điểm làn sóng đại dịch đầu tiên.

Thay vào đó, hiện nay các CEO tập trung vào việc tăng tính linh hoạt cho lực lượng lao động của họ với 51% (tăng từ 14% trong cuộc khảo sát vào quý 1/2021) đang tìm cách đầu tư vào không gian văn phòng chung. Hơn thế, 37% giám đốc điều hành toàn cầu đã triển khai mô hình làm việc linh hoạt cho nhân viên của họ, cho phép hầu hết nhân viên làm việc từ xa 2-3 ngày một tuần.

Các cải cách thuế quốc tế chưa từng có trước đây là một trọng tâm đáng kể đối với các CEO

75% CEO tin rằng áp lực lên công quỹ do ứng phó với đại dịch đã làm tăng tính cấp thiết cho hợp tác đa phương về hệ thống thuế toàn cầu. Đồng thời, 77% lãnh đạo cấp cao đồng ý rằng chế độ thuế tối thiểu toàn cầu được đề xuất là "mối quan tâm đáng kể" đối với các mục tiêu của tổ chức họ về tăng trưởng. Ngoài ra, họ lo lắng hơn về các rủi ro pháp lý và thuế so với trước khi xảy ra đại dịch (tham khảo bảng ở trên).

Nghiên cứu cho thấy 74% CEO nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa lòng tin của công chúng vào doanh nghiệp của họ và cách doanh nghiệp tiếp cận thuế - liệu họ đã tiếp cận thuế một cách phù hợp với các giá trị doanh nghiệp (organizational values) chưa. Khi các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu hồi phục và phát triển tốt hơn sau đại dịch, đa số (69%) CEO cảm thấy áp lực gia tăng trong việc thực hiện các cam kết ESG của họ, trong đó có việc báo cáo công khai và minh bạch các khoản đóng góp thuế của doanh nghiệp.

KPMG Việt Nam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên